• hello@voconsultants.vn
  • (+84) 909 865 891

Quy định pháp luật về khoản vay nước ngoài

Index

Trong quá trình thành lập doanh nghiệp cũng như thực hiện dự án đầu tư, sẽ có lúc cần nguồn vốn để thực hiện tiếp tục dự án tại Việt Nam. Doanh nghiệp có thể lựa chọn dưới hình thức vay trong nước hoặc vay nước ngoài, trong bài viết này chỉ đề cập đến khoản vay nước ngoài.

Cơ sở pháp lý

Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 sửa đổi bổ sung năm 2017

Nghị định 219/2013/NĐ-CP về quản lý vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được chính phủ bảo lãnh

Thông tư 12/2014/TT-NHNN quy định về điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp không được chính phủ bảo lãnh

Thông tư 03/2016/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Thông tư 05/2017/TT-NHNN sửa đổi thông tư Thông tư 03/2016/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Khoản vay nước ngoài là gì?

Theo quy định của Pháp luật, cụ thể tại khoản 1 điều 3 Nghị định 219/2013/NĐ-CP thì: “Vay nước ngoài là việc Bên đi vay nhận khoản tín dụng từ Người không cư trú thông qua việc ký kết và thực hiện các thỏa thuận vay nước ngoài dưới hình thức hợp đồng vay, hợp đồng mua bán hàng trả chậm, hợp đồng ủy thác cho vay, hợp đồng cho thuê tài chính hoặc phát hành công cụ nợ của bên đi vay.”

Khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh: Theo khoản 2 Điều 3 nghị định 219/2013/NĐ-CP thì: “Vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh (Sau đây gọi là “vay nước ngoài, tự vay tự trả”) là việc Bên đi vay thực hiện vay nước ngoài theo phương thức tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ với bên cho vay nước ngoài.”

Kiến thức hàn lâm theo quy định là vậy. Nói một cách dễ hiểu, trong quá trình thành lập doanh nghiệp cũng như thực hiện dự án đầu tư, sẽ có lúc cần nguồn vốn để thực hiện tiếp tục dự án tại Việt Nam. Doanh nghiệp có thể lựa chọn dưới hình thức vay trong nước hoặc vay nước ngoài, trong bài viết này chỉ đề cập đến việc vay vốn nước ngoài. Để thực hiện được vay vốn nước ngoài, doanh nghiệp, nhà đầu tư phải đảm bảo được các điều kiện cũng như quy định về “Khoản vay nước ngoài” theo quy định của Nhà nước. Từ đó giúp cho Nhà nước dễ dàng quản lý hơn về vấn đề này.

Các loại khoản vay nước ngoài:

Khoản vay nước ngoài được chia thành 02 loại rất rõ ràng, bao gồm:

– Khoản vay ngắn hạn: Khoản vay có thời hạn vay dưới 01 năm

– Khoản vay trung, dài hạn: Khoản vay có thời hạn vay trên 01 năm.

Đi theo từng loại khoản vay là những khái niệm, điều kiện cũng như mục đích vay rất khác nhau, Căn cứ theo Thông tư 12/2014/TT-NHNN được so sánh như sau:

Nội dungKhoản vay ngắn hạnKhoản vay trung, dài hạn
Hình thức hợp đồng vayHợp đồng cho vay phải được lập thành văn bản và phải được các bên ký kết hợp lệ trước khi giải ngân
Loại tiền cho vay Việc vay và trả nợ nước ngoài phải được thực hiện bằng ngoại tệ. Các bên chỉ thỏa thuận việc vay và trả nợ nước ngoài bằng đồng Việt Nam trong một số trường hợp đặc biệt
Điều kiện chung cho phép vay nước ngoài/ Mục đích sử dụng khoản vayDoanh nghiệp chỉ được vay nước ngoài để phục vụ cho các mục đích sau:1. Thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh, dự án đầu tư sử dụng vốn vay nước ngoài của các đối tượng sau:a) Của bên đi vay;b) Của doanh nghiệp mà bên đi vay tham gia góp vốn đầu tư trực tiếp (Chỉ áp dụng cho vay trung, dài hạn). Trong trường hợp này, giới hạn mức vay của bên đi vay trên tổng kim ngạch vay phục vụ phương án sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư đó tối đa không vượt quá tỷ lệ góp vốn của Bên đi vay trong doanh nghiệp mà bên đi vay góp vốn Các phương án sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư sử dụng vốn vay nước ngoài theo quy định trên phải được cấp có thẩm quyền xét duyệt2. Cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài của bên đi vay mà không làm tăng chi phí vay.
Điều kiện vay bổ sung/Mục đích sử dụng khoản vayBên đi vay không được vay ngắn hạn cho mục đích trung, dài hạn(i) Trường hợp Bên đi vay có dự án đầu tư sử dụng vốn vay nước ngoài đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, số dư nợ vay trung, dài hạn (gồm cả dư nợ vay trong nước) của Bên đi vay phục vụ cho dự án đó tối đa không vượt quá phần chênh lệch giữa tổng vốn đầu tư và vốn góp ghi nhận tại giấy chứng nhận đầu tư;Ví dụ: Tổng vốn đầu tư 30,000 USD, Vốn góp của Nhà đầu tư 15,000 USD. Thì trong trường hợp này, Doanh nghiệp/ Nhà đầu tư chỉ được vay nước ngoài trung, dài hạn số tiền 15,000 USD hoặc số tiền thấp hơn.(ii) Trường hợp Bên đi vay vay nước ngoài để thực hiện các phương án sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư không được cấp giấy chứng nhận đầu tư, số dư nợ vay trung, dài hạn (gồm cả dư nợ vay trong nước) của Bên đi vay không vượt quá tổng nhu cầu vốn vay tại phương án sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

Tài khoản thực hiện khoản vay nước ngoài:

Theo quy định tại Điều 24 Thông tư 03/2016/TT-NHNN thì Bên đi vay phải mở tài khoản vay, trả nợ nước ngoài tại Ngân hàng được phép tại Việt Nam để thực hiện các giao dịch chuyển tiền liên quan đến khoản vay nước ngoài.

Trong trường hợp Bên đi vay có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thì được sử dụng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp hoặc tài khoản vay, trả nợ nước ngoài để thực hiện các giao dịch chuyển tiền có liên quan.

Lưu ý: Mỗi khoản vay nước ngoài chỉ được thực hiện qua 01 ngân hàng và Bên đi vay có thể dùng 01 tài khoản cho nhiều khoản vay.

Đăng ký khoản vay nước ngoài với Ngân hàng Nhà nước:

Như đã đề cập ở trên, đã Ngân hàng Nhà nước dễ kiểm soát được tình trạng vay nước ngoài của Doanh nghiệp thì Luật cũng quy định về các khoản vay bắt buộc phải đăng ký với Ngân hàng Nhà nước. Theo quy định tại Điều 9 Thông tư 03/2016/TT-NHNN bao gồm:

  1. Khoản vay trung, dài hạn nước ngoài.
  2. Khoản vay ngắn hạn được gia hạn mà tổng thời hạn của Khoản vay là trên 01 (một) năm
  3. Khoản vay ngắn hạn không có hợp đồng gia hạn nhưng còn dư nợ gốc tại Thời điểm tròn 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên, trừ trường hợp Bên đi vay hoàn thành việc trả nợ khoản vay trong thời gian 10 ngày kể từ thời điểm tròn 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên.

Theo quy định trên thì khoản vay ngắn hạn (Dưới 01 năm) sẽ không phải đăng ký với Ngân hàng Nhà nước. Trên thực tế việc ra Ngân hàng tiến hành khoản vay ngắn hạn thủ tục cũng rất đơn giản.

a) Thẩm quyền xác nhận đăng ký khoản vay nước ngoài:

Thẩm quyền xác nhận khoản vay nước ngoài được quy định theo Điều 18 Thông tư 03/2016/TT-NHNN:

– Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý ngoại hối) thực hiện việc xác nhận đăng ký, đăng ký thay đổi đối với các Khoản vay có kim ngạch vay trên 10 triệu USD (Hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) và các khoản vay nước ngoài bằng Đồng Việt Nam

– Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc TW nơi bên đi vay đặt trụ sở chính thực hiện việc xác nhận đăng ký, đăng ký thay đổi đối với các Khoản vay có kim ngạch vay đến 10 triệu USD (Hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương)

b) Thời hạn nộp hồ sơ đăng ký khoản vay/ đăng ký thay đổi khoản vay:

Bên đi vay phải gửi hồ sơ trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày kể từ thời điểm sau:

  1. Đối với Khoản vay trung, dài hạn nước ngoài:

Ngày ký thỏa thuận vay nước ngoài trung, dài hạn hoặc ngày ký văn bản bảo lãnh trong trường hợp khoản vay có bảo lãnh hoặc ngày ký thỏa thuận rút vốn bằng văn bản trong trường hợp các bên thỏa thuận việc rút vốn trên cơ sở thỏa thuận khung đã ký và thực hiện trước khi rút vốn

  1. Đối với khoản vay ngắn hạn được gia hạn mà tổng thời hạn của khoản vay là trên 01 năm:

Ngày ký thỏa thuận gia hạn khoản vay ngắn hạn thành trung, dài hạn.

  1. Đối với Khoản vay ngắn hạn không có hợp đồng gia hạn nhưng còn dư nợ gốc tại Thời điểm tròn 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên, trừ trường hợp Bên đi vay hoàn thành việc trả nợ khoản vay trong thời gian 10 ngày kể từ thời điểm tròn 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên.

Ngày tròn 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên đối với khoản vay tự vay tự trả.

c) Thời hạn Ngân hàng Nhà nước có văn bản xác nhận khoản vay

(1) 12 (mười hai) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ của Bên đi vay trong trường hợp Bên đi vay lựa chọn hình thức trực tuyến;

(2) 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ của Bên đi vay trong trường hợp Bên đi vay lựa chọn hình thức truyền thống; hoặc

(3) 45 (bốn mươi lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ của Bên đi vay đối với trường hợp Khoản vay bằng đồng Việt Nam phải được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, chấp thuận theo quy định pháp luật hiện hành về Điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh;

(4) Trường hợp từ chối xác nhận đăng ký Khoản vay, Ngân hàng Nhà nước có văn bản nêu rõ lý do.

d) Hồ sơ đăng ký khoản vay nước ngoài:

Hồ sơ đăng ký khoản vay nước ngoài/ Đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài được quy định chi tiết tại Điều 14 Thông tư 03/2016/TT-NHNN

Xem chi tiết hồ sơ tại 

>>Thủ tục đăng ký khoản vay/Đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài<<

Chế độ báo cáo khoản vay nước ngoài

Một điểm lưu ý quan trọng quy định về Khoản vay nước ngoài là chế độ báo cáo Khoản vay của bên đi vay. Bên đi vay có thể lựa chọn hình thức báo cáo trực tuyến thông qua trang https://qlnh-sbv.cic.org.vn/ hoặc lựa chọn hình thức báo cáo truyền thống.

a) Đối với báo cáo thông qua trang https://qlnh-sbv.cic.org.vn/ như sau:

a) Định kỳ hàng quý, hàng năm chậm nhất vào ngày 05 của tháng tiếp theo ngay sau kỳ báo cáo, Bên đi vay phải báo cáo trực tuyến tình hình thực hiện khoản vay ngắn, trung và dài hạn tại Trang điện tử.

Lưu ý: Mặc dù quy định về đăng ký khoản vay chỉ yêu cầu đối với khoản vay trung, dài hạn nước ngoài. Còn về việc báo cáo khoản vay được áp dụng đối với cả ngắn, trung và dài hạn nước ngoài. Tức khoản vay ngắn hạn vẫn phải được báo cáo hàng quý, hàng năm với Ngân hàng Nhà nước.

b) Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của Bên đi vay trên Trang điện tử, Chi nhánh duyệt báo cáo trên Trang điện tử để lưu thông tin vào cơ sở dữ liệu. Trường hợp thông tin báo cáo chính xác, Bên đi vay sẽ được thông báo qua thư điện tử về việc đã hoàn thành việc báo cáo theo quy định. Trường hợp có thông tin chưa chính xác hoặc cần làm rõ, Chi nhánh thông báo bằng thư điện tử cho Bên đi vay để thực hiện Điều chỉnh số liệu.

b) Đối với báo cáo theo kiểu truyền thống:

a) Định kỳ hàng quý, chậm nhất vào ngày 05 của tháng tiếp theo ngay sau kỳ báo cáo, Bên đi vay phải gửi Chi nhánh báo cáo bằng văn bản về tình hình thực hiện các Khoản vay ngắn, trung và dài hạn theo mẫu tại Phụ lục 04 kèm theo Thông tư 03/2016/TT-NHNN này.

b) Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của Bên đi vay, Chi nhánh tổ chức việc nhập báo cáo của Bên đi vay vào mẫu biểu trên Trang điện tử để lưu thông tin vào cơ sở dữ liệu.

Ngoài báo cáo theo hàng Quý, hàng Năm còn có Báo Cáo đột xuất: Trong trường hợp đột xuất hoặc khi cần thiết, bên đi vay phải thực hiện báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

Trên đây là các chia sẻ của Luật sư, mang tính chất cung cấp thông tin không nhằm mục đích tư vấn và không phải là ý kiến tư vấn, Võ Consultants không chịu trách nhiệm trong mọi trường hợp.

Đối với từng trường hợp cụ thể, Quý khách hàng vui lòng liên hệ Võ Consultants để được tư vấn chi tiết. Luật sư tư vấn pháp luật doanh nghiệp: 0909 865 891 – 0901 476 391

Hoặc gửi yêu cầu qua địa chỉ email: hello@voconsultants.vn

Xem thêm các bài viết khác tại: https://voconsultants.vn/danh-muc/kien-thuc-phap-luat/

Địa chỉ văn phòng làm việc: Tầng 8, Toà nhà Callary, số 123 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trân trọng./.

Author

Author

Lawyer Vo Thi Man

Scan the QR code to connect with us

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x