Sang tên đăng bộ bản chất chỉ là thủ tục đăng ký biến động khi tặng cho, chuyển nhượng hoặc thừa kế quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.
Kết quả của thủ tục đăng bộ, người được tặng cho, chuyển nhượng hoặc thừa kế quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất sẽ được đứng tên trong Giấy chứng nhận.
Các trường hợp cần phải thực hiện thủ tục đăng bộ như sau:
Trường hợp thứ 1: Có sự biến động về quyền sử dụng nhà đất.
Khi thực hiện các giao dịch như mua bán, tặng cho, thừa kế hay chia tài sản,… Chủ sở hữu phải thực hiện thủ tục đăng bộ để thay đổi tên chủ sở hữu cũ sang tên chủ sở hữu mới trên giấy chứng nhận
Trường hợp thứ 2: Đăng bộ cập nhật thông tin thửa đất.
Có đất có sự thay đổi về hình dạng, kích thước, diện tích, mục đích sử dụng, thời gian sửa đổi. Thì chủ sở hữu cũng thực hiện thủ tục đăng bộ để thay đổi những thông tin này trên giấy chứng nhận.
Trường hợp cuối cùng:
Khi có sự thay đổi về tài sản gắn liền so với nội dung trước trên giấy chứng nhận. Ví dụ như việc chủ sở hữu sửa lại nhà hay thậm chí là xây dựng thêm tài sản khác trên đất.
Cơ sở pháp lý tham khảo
Luật đất đai số 45/2013/QH13 có hiệu lực ngày 29/11/2013 (Luật đất đai 2013)
Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật đất đai có hiệu lực ngày 15/05/2014
Cơ quan có thẩm quyền giải quyết
Văn phòng đăng ký đất đai của Ủy ban nhân dân quận/ huyện nơi có đất
Quy trình cơ bản của thủ tục đăng bộ nhà đất
Bước 1: Lập và công chứng hợp đồng
Các bên đến cơ quan công chứng lập hợp đồng chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày lập hợp đồng, các bên phải kê khai lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân, nếu quá thời hạn trên sẽ bị phạt theo quy định của nhà nước.
Bước 2: Kê khai nghĩa vụ tài chính (tại UBND cấp quận/huyện nơi có nhà đất). Thành phần hồ sơ gồm:
- Tờ khai lệ phí trước bạ;
- Tờ khai thuế thu nhập cá nhân;
- Hợp đồng công chứng đã lập;
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất;
- CMND và Sổ hộ khẩu của các bên;
Đối với trường hợp cho tặng, thừa kế phải có giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân của người cho và người nhận để được miễn thuế thu nhập cá nhân.
Thời hạn có thông báo nộp thuế: 10 ngày làm việc. Sau khi có thông báo thì người nộp thuế nộp tiền vào ngân sách nhà nước.
– Thuế thu nhập cá nhân: Người nộp thuế có trách nhiệm đóng 2% trên giá bán
– Lệ phí trước bạ: Người sở hữu tài sản cố định (nhà đất) từ hoạt động chuyển nhượng có trách nhiệm đóng 0.5% trên giá trị tài sản cố định. Và khoản lệ phí này có thể được miễn nếu bạn tặng, cho, thừa kế mà có giấy tờ chứng minh theo quy định pháp luật.
Bước 3: Đăng bộ sang tên nhà đất tại UBND quận/huyện nơi có nhà đất. Thành phần hồ sơ thủ tục gồm:
- Đơn đề nghị đăng ký biến động;
- Hợp đồng chuyển nhượng; hợp đồng tặng cho; hoặc văn bản thỏa thuận phân chia tài sản; văn bản khai nhận di sản;
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất (bản gốc);
- Giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước (bản gốc);
- Bản sao CMND và Sổ hộ khẩu của bên nhận chuyển nhượng, thừa kế, cho tặng.
Thời hạn đăng bộ sang tên nhà đất: 15 ngày làm việc.
Người đóng lệ phí đăng bộ (sang tên) nhà đất sẽ đóng:
– Lệ phí địa chính: 15.000 đồng
– Lệ phí thẩm định:0,15% giá trị đăng bộ (sang tên) chuyển nhượng (đặc biệt, tối thiểu là 100.000 đồng đến tối đa không quá 5.000.000 đồng)
Ngoài ra, còn có lệ phí cấp sổ đỏ, sổ hồng tính riêng cho từng trường hợp cụ thể.
Các khoản lệ phí phát sinh
- Lệ phí công chứng Hợp đồng chuyển nhượng;
- Thuế thu nhập cá nhân: 2% giá trị của hợp đồng, thường do người chuyển nhượng đóng (nhưng cũng có thể do 2 bên thỏa thuận xem ai đóng);
- Lệ phí trước bạ: 0,5% x Diện tích đất x Giá đất (Giá đất do địa phương quy định). Lệ phí trước bạ sẽ không phải đóng nếu đăng bộ nhà đất cho trường hợp tặng cho, thừa kế;
- Lệ phí địa chính: 15.000 đồng;
- Lệ phí thẩm định: 0,15% giá trị đăng bộ sang tên;
- Lệ phí cấp đổi sổ mới: Tùy từng trường hợp cụ thể mà tính giá riêng