GIẤY PHÉP KINH DOANH LÀ GÌ?
Giấy phép kinh doanh là giấy phép cho các cá nhân, tổ chức hoạt động kinh doanh. Giấy phép kinh doanh được cấp khi Doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ các điều kiện đăng ký kinh doanh theo những quy định của pháp luật hiện hành.
Cũng có thể hiểu Giấy phép kinh doanh là loại giấy được cấp cho các doanh nghiệp có kinh doanh ngành nghề có điều kiện, loại giấy này thường được cấp sau Giấy đăng chứng nhận ký doanh nghiệp cho công ty.
CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT
- Luật Thương mại 2005 có hiệu lực ngày 14/06/2005;
- Nghị định 09/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết Luật Thương mại và quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có hiệu lực từ ngày 15/01/2018
- Luật Quản lý ngoại thương 2017 có hiệu lực ngày 12/06/2017
- Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực ngày 17/06/2020
NHỮNG TRƯỜNG HỢP CẦN ĐĂNG KÝ GIẤY PHÉP KINH DOANH
1/. Tổ chức Doanh nghiệp trong nước kinh doanh có điều kiện
Các ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ Lục IV Luật Đầu tư 2020 Có hiệu lực từ ngày 17/06/2020.
2/. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài
Theo quy định cụ thể tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định 09/2018/NĐ-CP, Giấy phép kinh doanh được cấp cho các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động sau:
- Thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa, trừ hàng hóa là gạo; đường; vật phẩm ghi hình; sách; báo và tạp chí
- Thực hiện quyền nhập khẩu, quyền phân phối buôn bán hàng hóa là dầu; mỡ bôi trơn;
- Thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa là gạo; đường; vật phẩm đã ghi hình; sách; báo và tạp chí
- Cung cấp dịch vụ logistics; trừ các phân ngành dịch vụ logistics mà Việt Nam có cam kết mở cửa thị trường trong các Điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên
- Cho thuê hàng hóa, không bao gồm cho thuê tài chính; trừ cho thuê trang thiết bị xây dựng có người vận hành;
- Cung cấp dịch vụ xúc tiến thương mại, không bao gồm dịch vụ quảng cáo;
- Cung cấp dịch vụ trung tâm thương mại;
- Cung cấp dịch vụ thương mại điện tử;
- Cung cấp dịch vụ tổ chức đấu thầu hàng hóa, dịch vụ.
ĐIỀU KIỆN ĐƯỢC CẤP GIẤY PHÉP KINH DOANH
1/. Đối với tổ chức, doanh nghiệp trong nước
Tùy thuộc vào từng ngành nghề kinh doanh khác nhau có những điều kiện khác nhau để được cấp giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên các điều kiện chủ yếu thường là:
- Điều kiện về kinh doanh có điều kiện:
- Điều kiện về chứng chỉ hành nghề;
Tùy vào từng ngành nghề và lĩnh vực khác nhau được quy định trong pháp luật chuyên ngành mà yêu cầu số lượng cá nhân có giấy chứng chỉ hành nghề khác nhau. Ví dụ như:
- Yêu cầu Giám đốc doanh nghiệp hoặc người đứng đầu cơ sở kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề, hoặc người đứng đầu cơ sở kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề.
- Yêu cầu giám đốc và người khác phải có chứng chỉ hành nghề: Giám đốc của doanh nghiệp. Và ít nhất một cán bộ chuyên môn theo quy định của pháp luật chuyên ngành trong doanh nghiệp phải có chứng chỉ hành nghề.
- Trường hợp không yêu cầu Giám đốc hoặc người đứng đầu cơ sở kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề. Ít nhất một cán bộ chuyên môn theo quy định của pháp luật chuyên ngành trong doanh nghiệp phải có chứng chỉ hành nghề.
- Điều kiện về vốn pháp định.
- Thường được đặt ra đối với các ngành; lĩnh vực đòi hỏi trách nhiệm tài sản cao của doanh nghiệp hoặc các ngành; nghề có yêu cầu có cơ sở vật chất lớn. Ví dụ, pháp luật quy định doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bất động sản phải có vốn pháp định là 20 tỷ đồng.
- Mục đích của yêu cầu về mức vốn tối thiểu này nhằm xác định được năng lượng của từng doanh nghiệp trong trường hợp kinh doanh ngành nghề đó. Từ đó giúp tăng sự tin tưởng từ khách hàng có giao dịch với doanh nghiệp đó
2./. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài
Điều kiện để được cấp giấy phép Kinh doanh được quy định rất rõ tại Điều 9 Nghị định 09/2018/ NĐ-CP ngày 15/01/2018, cụ thể như sau:
“Điều 9. Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh.
1.Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thuộc nước, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có cam kết mở cửa thị trường cho hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa
a) Đáp ứng điều kiện về tiếp cận thị trường tại Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
b) Có kế hoạch về tài chính để thực hiện hoạt động đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh;
c) Không còn nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã thành lập tại Việt Nam từ 01 năm trở lên.
2. Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài không thuộc nước, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên
a) Điều kiện quy định tại điểm b và c khoản 1 Điều này;
b) Đáp ứng tiêu chí sau:
– Phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành;
– Phù hợp với mức độ cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước trong cùng lĩnh vực hoạt động;
– Khả năng tạo việc làm cho lao động trong nước;
– Khả năng và mức độ đóng góp cho ngân sách nhà nước.
- Trường hợp dịch vụ kinh doanh chưa được cam kết mở cửa thị trường trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên: Điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này.
- Trường hợp hàng hóa kinh doanh chưa được cam kết mở cửa thị trường trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên: Dầu, mỡ bôi trơn; gạo; đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo và tạp chí
a) Điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Đối với hàng hóa là dầu, mỡ bôi trơn: Xem xét cấp phép thực hiện quyền nhập khẩu, quyền phân phối bán buôn cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có thực hiện một trong các hoạt động sau:
– Sản xuất dầu, mỡ bôi trơn tại Việt Nam;
– Sản xuất hoặc được phép phân phối tại Việt Nam máy móc, thiết bị, hàng hóa có sử dụng dầu, mỡ bôi trơn loại đặc thù.
c) Đối với hàng hóa là gạo; đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo và tạp chí: Xem xét cấp phép thực hiện quyền phân phối bán lẻ cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã có cơ sở bán lẻ dưới hình thức siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi để bán lẻ tại các cơ sở đó.”
CÁCH THỨC NỘP HỒ SƠ
- Nộp qua Bưu điện
- Nộp trực tiếp tại Sở Công thương
- Qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến (Trong trường hợp đủ yêu cầu)
HỒ SƠ CẦN CHUẨN BỊ
1/. Tổ chức Doanh nghiệp trong nước kinh doanh có điều kiện
- Đơn đề nghị cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện
- Điều lệ Công ty
- Bản sao giấy Đăng ký kinh doanh của Doanh nghiệp có ngành nghề đăng ký kinh doanh
- Phương án kinh doanh
- Chương trình kinh doanh
- Giấy xác nhận kinh nghiệm hoặc giấy tờ chứng minh thời gian hoạt động của người điều hành hoạt động công ty
- Các giấy tờ tùy thân của người đứng đầu kinh doanh, các thành viên trong công ty.
2/. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài
- Đơn đề nghị Cấp giấy phép kinh doanh (Mẫu số 01 tại phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 09/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018)
- Bản Giải trình có nội dung theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định 09/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018, cụ thể như sau:
- Giải trình về điều kiện cấp giấy phép kinh doanh
- Kế hoạch kinh doanh: Mô tả nội dung, phương thức thực hiện hoạt động kinh doanh; trình bày kế hoạch kinh doanh và phát triển thị trường; nhu cầu về lao động; đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của kế hoạch kinh doanh;
- Kế hoạch tài chính: Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trên cơ sở báo cáo tài chính đã được kiểm toán của năm gần nhất trong trường hợp đã thành lập ở Việt Nam từ 01 năm trở lên; giải trình về vốn, nguồn vốn và phương án huy động vốn; kèm theo tài liệu về tài chính;
- Tình hình kinh doanh hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa; tình hình tài chính của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tính tới thời điểm đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh, trong trường hợp cấp Giấy phép kinh doanh quy định tại khoản 6 Điều 5 Nghị định 09/2018/NĐ-CP này.
3. Tài liệu của cơ quan thuế Chứng minh không còn nợ thuế quá hạn;
4.Bản sao có công chứng: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa (nếu có).
TRÌNH TỰ THỰC HIỆN
Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Công thương kiểm tra và yêu cầu sửa đổi, bổ sung nếu hồ sơ chưa hợp lệ;
Trong thời hạn 10 ngày làm việc từ ngày hồ sơ hợp lệ, Sở Công thương kiểm tra điều kiện cấp phép, nếu thuộc trường hợp từ chối cấp phép, Sở Công thương sẽ có văn bản trả lời và nêu rõ lý do. Trong trường hợp đủ điều kiện, Sở Công thương sẽ có văn bản lấy ý kiến của Bộ Công thương, Bộ quản lý ban ngành.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Công thương và bộ quản lý chuyên ngành có văn bản chấp thuận cấp Giấy phép kinh doanh; trường hợp từ chối sẽ có văn bản trả lời.
Trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận của Bộ Công thương và cơ quan chuyên ngành, Sở Công thương sẽ cấp giấy phép kinh doanh.