Theo quy định của pháp luật Doanh nghiệp hiện nay, thời hạn để thành viên góp vốn, chủ sở hữu hoàn thành nghĩa vụ góp vốn vào Công ty trách nhiệm hữu hạn được quy định là trong vòng 90 ngày tính từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Theo đó tuỳ thuộc vào quy định tại Điều lệ công ty mà thời hạn góp vốn điều lệ sẽ được xác định cụ thể.
Tuy nhiên trên thực tế, việc thành viên góp vốn, chủ sở hữu công ty không góp đủ vốn hoặc/và không thực hiện nghĩa vụ góp vốn là điều vẫn thường xuyên xảy ra. Bài viết sau đây sẽ giải đáp mọi thắc mắc của các nhà đầu từ đã và đang có dự định thành lập công ty xung quanh đến đề góp vốn.
Khi nào được xem là quá thời hạn thực hiện nghĩa vụ góp vốn?
Căn cứ vào quy định tại Khoản 2 Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2020 thì đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên “Thành viên phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Trong thời hạn này, thành viên có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết. Thành viên công ty chỉ được góp vốn cho công ty bằng loại tài sản khác với tài sản đã cam kết nếu được sự tán thành của trên 50% số thành viên còn lại”. Tương tự , thời hạn góp vốn của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cũng được quy định tại Khoản 2 Điều 75 như sau “Chủ sở hữu công ty phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản.”.
Qua hai quy định trên, chúng ta có thể thấy dù thành viên góp vốn đối của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hay là chủ sở hữu đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thì thời gian góp vốn cũng là trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trong trường hợp góp vốn bằng tài sản phải thực hiện việc vận chuyển, nhập khẩu, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản thì thời gian này sẽ không được tính vào và thời 90 ngày như trên. Hay nói cách khác, thời điểm mà thành viên góp vốn, chủ sở hữu công ty được xem vi phạm thời hạn nghĩa vụ góp vốn là từ ngày thứ 91 trở về sau (trừ thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn) tính từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Khi nào phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ vốn điều lệ do vi phạm nghĩa vụ góp vốn?
Một câu hỏi đặt ra, trong trường hợp quá thời hạn thực hiện nghĩa vụ góp vốn theo như quy định đã dẫn chiếu tại Mục 1 thì Công ty TNHH cần phải là gì? Căn cứ theo quy định tại Khoản 4 Điều 47 Luật Doanh Nghiệp quy định “Trường hợp có thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ phần vốn góp theo quy định tại khoản 2 Điều này. Các thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và tỷ lệ phần vốn góp của thành viên”. Và Khoản 3 Điều 75 Luật Doanh Nghiệp quy định “Trường hợp không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, chủ sở hữu công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ bằng giá trị số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ. Trường hợp này, chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày cuối cùng công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ theo quy định tại khoản này.” Khi thành viên góp vốn, chủ sỡ hữu vi phạm thời hạn góp vốn theo quy định của pháp luật doanh nghiệp thì Công ty TNHH buộc phải thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi (giảm) vốn điều lệ, tỷ lệ vốn điều lệ tương ứng với số vốn đã góp. Ngoài ra, thời gian phải thực hiện nghĩa vụ đăng ký thay đổi (giảm) vốn điều lệ, tỷ lệ vốn điều lệ là trong vòng 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ.
Thủ tục đăng ký thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ vốn điều lệ cho công ty trách nhiệm hữu hạn.
Điều 51 Nghị định 01/2021 NĐ-CP quy định hồ sơ tiến hành thủ tục đăng ký thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ vốn điều lệ cho công ty trách nhiệm hữu hạn gồm:
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký;
- Nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;
- Nghị quyết, quyết định và biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;
- Danh sách thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; Danh sách phải bao gồm chữ ký của các thành viên có phần vốn góp thay đổi, không bắt buộc phải có chữ ký của thành viên có phần vốn góp không thay đổi.
- Giấy uỷ quyền cho người nộp hồ sơ đăng ký thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ vốn điều lệ trong trường hợp người nộp hồ sơ không phải là đại diện theo pháp luật.
Thủ tục đăng ký thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ vốn điều lệ được thực hiện tại Phòng đăng ký kinh doanh – Sở kế hoạch và đầu tư nơi Công ty đặt trụ sở. Sau khi nhận đầy đủ hồ sơ, Phòng đăng ký kinh doanh – Sở kế hoạch và đầu tư nơi Công ty đặt trụ sở tiến hành xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Ngoài ra, xét trong trường hợp có thành viên góp vốn hoàn toàn không thực hiện nghĩa vụ góp vốn thì Công ty phải làm thủ tục thay đổi thành viên góp vốn. Và xét trong trường hợp số lượng thành viên góp vốn chỉ còn một thành viên thì Công ty phải thực hiện thủ tục thay đổi loại hình doanh nghiệp từ Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Tương ứng với mỗi thủ tục thay đổi này thì Doanh nghiệp cũng phải thực hiện các hồ sơ khác nhau theo đúng quy định pháp luật.
Xử phạt hành chính khi Doanh nghiệp vi phạm thời gian thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ vốn điều lệ:
Như đã nêu trên, Công ty TNHH có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ đăng ký thay đổi (giảm) vốn điều lệ, tỷ lệ vốn điều lệ là trong vòng 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ. Trong trường hợp quá thời hạn này mà công ty TNHH vẫn chưa thực hiện thủ tục đăng ký trên thì phải gánh chịu các chế tài theo quy định pháp luật. Căn cứ theo quy định tại Điều 44 Nghị định 122/2021:
“Điều 44. Vi phạm về thời hạn đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Cảnh cáo đối với hành vi vi phạm thời hạn đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh quá thời hạn quy định từ 01 ngày đến 10 ngày.
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm thời hạn đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh quá thời hạn quy định từ 11 ngày đến 30 ngày.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm thời hạn đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh quá thời hạn quy định từ 31 ngày đến 90 ngày.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm thời hạn đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.
Như vậy, trong trường hợp công ty TNHH chậm trễ trong việc đăng ký thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ vốn điều lệ, tương ứng với từng thời gian chậm trễ thì Doanh nghiệp bị xử phạt các mức phạt tương ứng khác nhau.
Mặc khác, trường hợp công ty không thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ vốn điều lệ tại cơ quan đăng ký kinh doanh thì áp dụng theo quy định tại Điều 46 Nghị định 122/2021 thì “3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: a) Không thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn hoặc thay đổi thành viên, cổ đông sáng lập theo quy định tại cơ quan đăng ký kinh doanh khi đã kết thúc thời hạn góp vốn và hết thời gian điều chỉnh vốn do thành viên, cổ đông sáng lập không góp đủ vốn nhưng không có thành viên, cổ đông sáng lập nào thực hiện cam kết góp vốn;
Từ các quy định trên có thể cho thấy, ngoài việc thành viên góp vốn, chủ sở hữu “phải chịu trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ”. Thi công ty TNHH cũng có khả năng phải gánh chịu các mức phạt hành chính như có nêu trên khi thành viên góp vốn, chủ sở hữu vi phạm nghĩa vụ góp của mình. Việc này ít nhiều gây ra các thiệt hại cho cả thành viên góp vốn, chủ sở hữu và Doanh nghiệp. Chính vậy vậy, thành viên góp vốn và chủ doanh nghiệp cần có sự cân nhắc về khả năng thực hiện nghĩa vụ góp vốn của mình tại thời điểm thành lập doanh nghiệp để tránh các rủi ro nêu trên.
Trên đây là các quy định pháp lý liên quan đến nghĩa vụ góp vốn của thành viên, chủ sở hữu trong công ty trách nhiệm hữu hạn. Bài viết mang tính chất cung cấp thông tin không nhằm mục đích tư vấn và không phải là ý kiến tư vấn, Võ Consultants không chịu trách nhiệm trong mọi trường hợp. Đối với từng trường hợp cụ thể, Quý khách hàng vui lòng liên hệ Võ Consultants để được tư vấn chi tiết.
Liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật Doanh nghiệp:
Lĩnh vực pháp luật doanh nghiệp là một trong những lĩnh vực trọng điểm mà chúng tôi cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên sâu do nhóm Luật sư có đầy đủ chuyên môn và kinh nghiệm phụ trách và giải quyết. Chúng tôi luôn hướng đến mục tiêu cung cấp dịch vụ chất lượng, đa dạng nhằm tối ưu hoá chi phí và tính hiệu quả cho mọi đối tượng khách hàng, đặc biệt là nhóm khách hàng doanh nghiệp.
- Luật sư tư vấn pháp luật doanh nghiệp: 0909 865 891 – 0901 476 391
- Hoặc gửi yêu cầu qua địa chỉ email: hello@voconsultants.vn
- Địa chỉ văn phòng làm việc: Tầng 8, Toà nhà Callary, số 123 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.
Trân trọng./