• hello@voconsultants.vn
  • (+84) 909 865 891

Giải quyết vụ án dân sự tại Tòa án cấp phúc thẩm

Index

Việc khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án và đi đến bước có bản án sơ thẩm vụ án dân sự không phải là điều dễ dàng, tuy nhiên không phải bản án dân sự sơ thẩm nào cũng đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu của nguyên đơn, cũng như giải quyết thỏa đáng cho bị đơn. Vì vậy, pháp luật cho phép các bên không đồng tình với Bản án sơ thẩm, trong vòng 15 ngày kể từ ngày tuyên án hoặc kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án niêm yết đối với đương sự không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng, các đương sự được quyền nộp đơn kháng cáo một phần hoặc toàn bộ bản án. Việc kháng cáo này giúp các bên có cơ hội một lần nữa được xem xét lại quyền và lợi ích hợp pháp của mình, để đảm bảo được các mâu thuẫn dẫn đến tranh chấp được giải quyết một cách thoả đáng. 

Ngoài ra, bản án dân sự sơ thẩm còn có thể bị kháng nghị theo đề nghị từ Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp hoặc Viện kiểm sát nhân dân cấp trên trực tiếp nếu Viện kiểm sát xét thấy bản án cần phải được xem xét lại.

Sau khi một phần hoặc toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì một phần hoặc toàn bộ bản án này chưa có hiệu lực thi hành án, trừ trường hợp phải thi hành án ngay theo quy định pháp luật.

Đơn kháng cáo bản án sơ thẩm:

Tương tự như đơn khởi kiện, về mặt hình thức, đơn kháng cáo phải được lập thành văn bản và phải đảm bảo các nội dung chính theo quy định tại 272 BLTTDS như sau:

“a) Ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo;

b) Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người kháng cáo;

c) Kháng cáo toàn bộ hoặc phần của bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật;

d) Lý do của việc kháng cáo và yêu cầu của người kháng cáo;

đ) Chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo.”

Nộp và tiếp nhận đơn kháng cáo:

Và khi xét thấy phán quyết tại bản án sơ thẩm không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho mình, đương sự phải tiến hành nộp đơn kháng cáo trong thời hạn luật định là 15 ngày kể từ ngày tuyên án hoặc từ ngày nhận được bản án đối với trường hợp đương sự vắng mặt có lý do chính đáng tại phiên tòa xét xử sơ thẩm hoặc tuyên án. Tuy nhiên trên thực tiễn, không tránh được những sự kiện phát sinh làm cho các đương sự không thể nộp đơn kháng cáo đúng thời hạn, và việc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của đương sự, chính vì vậy, Điều 275 BLTTDS có quy định thêm về trường hợp xem xét đơn kháng cáo quá hạn, từ đó giúp cho các đương sự có thêm cơ hội được xem xét lại bản án sơ thẩm ở Tòa phúc thẩm. Cũng theo quy định này, trong đơn kháng cáo gửi quá thời hạn theo quy định tại Điều 274 BLTTDS, đương sự phải gửi kèm theo bảng tường trình lý do gửi đơn kháng cáo quá hạn kèm với chứng cứ, tài liệu đi kèm. Căn cứ vào đơn này và hồ sơ đi kèm, Tòa cấp sơ thẩm sẽ gửi cho Tòa cấp phúc thẩm để xem xét kháng cáo quá hạn, ra quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng cáo quá hạn và tiến hành các thủ tục tố tụng tiếp theo.

Xét trên góc độ thực tiễn, để bản án có thể được xem xét một cách toàn diện, đương sự thường lựa chọn kháng cáo toàn bộ nội dung bản án, để từ đó, vụ án được xem xét lại tại cấp phúc thẩm. Và phải đảm bảo việc đơn kháng cáo được gửi đi dung trong thời hạn kháng cáo, để tránh trường trường không đủ điều kiện để Tòa án cấp phúc thẩm xem xét chấp thuận đơn kháng cáo quá hạn. Từ đó, bên kháng cáo phải thực hiện thủ tục đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, sẽ mất nhiều thời gian và công sức, đồng thời khi việc thi hành án được tiến hành thì ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người kháng cáo.

Tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm:

Sau khi đơn kháng cáo đã được chấp nhận, Tòa án sẽ có thông báo tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đến cho người kháng cáo. Người kháng cáo có 10 ngày để hoàn thành nghĩa vụ đóng tạm ứng án phí dân sự hoặc cung cấp giấy tờ chứng minh người kháng cáo thuộc trường hợp miễn, giảm án phí dân sự và cung cấp biên lai đóng tiền tạm ứng án phí, hoặc hồ sơ miễn, giảm án phí cho Toà. Trong các trường hợp chậm trễ, cần phải có lý do chính đáng, đối với việc chậm trễ nộp biên lai đóng án phí cho Toà, người kháng cáo cũng phải có đơn tường trình lý do gửi đến Tòa để được xem xét theo thủ tục xem xét đơn kháng cáo quá hạn. Quá thời gian này mà người kháng cáo không hoàn thành nghĩa vụ của mình, xem như người kháng cáo từ bỏ quyền kháng cáo.

Kháng nghị bản án sơ dân sự sơ thẩm:

Nếu việc kháng cáo là việc của các đương sự, người đại diện của đương sự trong vụ án, thì bản án dân sự sơ thẩm còn có thể bị kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp. Tương tự như việc có kháng nghị, khi bản án dân sự sơ thẩm bị kháng nghị thì chưa được đưa ra thi hành án, trừ trường hợp pháp luật quy định thi hành ngay.

Sau khi Viện kiểm sát có thông báo quyết định kháng nghị đến các bên liên quan, mà không có thông báo thay đổi, rút kháng nghị thì Toà sơ thẩm sẽ phải gửi hồ sơ vụ án đến Toà án cấp phúc thẩm để tiến hành các thủ tục tố tụng tiếp theo cho việc chuẩn bị xét xử phúc thẩm và xét xử phúc thẩm vụ án.

Chuẩn bị xét xử phúc thẩm bản án dân sự:

Vụ án phúc thẩm được đưa vào sổ thụ lý ngay sau khi Tòa cấp phúc thẩm nhận được hồ sơ vụ án, kháng cáo, kháng nghị và các tài liệu, chứng cứ đi kèm.

Trong thời gian 02 tháng tính từ ngày thụ lý hoặc tối đa 03 tháng đối với  vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan tính từ ngày thụ lý. Trừ trường hợp sự kiện pháp lý phát sinh dẫn đến tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án, đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án, Toà án phúc thẩm có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trong vòng 01 tháng tính từ ngày có quyết định, phiên Tòa xét xử phúc thẩm phải được mở, trong trường hợp có lý do chính đáng thì Toà án được phép kéo dài nhưng không quá 02 tháng.

Về phía đương sự, trong giai đoạn này, đương sự cần có sự chuẩn bị hồ sơ, tài liệu, chứng cứ để cung cấp cho Tòa phúc thẩm, tuy nhiên việc cung cấp chứng cứ này bị giới hạn theo quy định tại Điều 287 BLTTDS, những chứng cứ không đúng quy định này sẽ không được cấp Toà phúc thẩm chấp nhận.

“a) Tài liệu, chứng cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không cung cấp, giao nộp được vì có lý do chính đáng;

b) Tài liệu, chứng cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm không yêu cầu đương sự giao nộp hoặc đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ việc theo thủ tục sơ thẩm.”

Xét xử vụ án dân sự phúc thẩm:

Tuân thủ theo các quy định về việc có mặt, vắng mặt của các đương sự, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, đại diện viện kiểm sát cũng như không xảy ra sự kiện pháp lý nguyên đơn rút đơn khởi kiện trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, đình chỉ xét xử phúc thẩm. Phiên tòa xét xử vụ án dân sự phúc thẩm được tiến hành theo đúng quy định pháp luật. Tùy thuộc vào hồ sơ vụ án, Toà phúc thẩm tuyên bản án dân sự phúc thẩm “Sửa bản án sơ thẩm” hoặc “Hủy bản án sơ thẩm, hủy một phần bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm”.

Khác với bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm có hiệu lực ngay sau thời điểm tuyên án, các bên sẽ tiến hành việc thi hành bản án theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật, bản án phúc thẩm vẫn có thể bị xem xét lại theo thủ tục Giám đốc thẩm, tái thẩm theo kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đối với bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao; Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao đối với bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Author

Author

Lawyer Vo Thi Man

Scan the QR code to connect with us

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x