Câu hỏi:
Thưa luật sư, Ông Nội tôi đã mất, nhưng nhà đất đều mang tên ông Nội tôi, như vậy thì Ba mẹ tôi phải làm sao để chuyển tên sang thành của ba mẹ tôi ?
Câu trả lời của Luật sư
Quyền hưởng di sản thừa kế:
Theo quy định pháp luật, Ba của khách hàng chỉ được hưởng tài sản thừa kế khi thoả mãn các quy định sau:
Thứ nhất: Ba của khách hàng không thuộc trường hợp là người không được quyền hưởng di sản theo quy định tại Điều 621 Bộ luật dân sự 2015 như sau:
“1. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:
a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản”
Thứ hai: Theo quy định tại Điều 609 quy định về quyền thừa kế như tại Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
“Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc”.
Như vậy, xét trên trường hợp từ phía Ông Nội thì Ông có quyền định đoạt tài sản của mình bằng cách lập di chúc hoặc nếu Ông không lập di chúc thì phần tài sản này sẽ để lại cho (những) người thừa kế theo pháp luật.
Xét trên góc độ của Ba khách hàng thì ngoài việc không thuộc trường hợp theo quy định tại Điều 621 Bộ luật dân sự 2015 nêu trên, Ba khách hàng chỉ được hưởng tài sản thừa kế khi:
– Trường hợp có di chúc và di chúc có hiệu lực tại thời điểm mở thừa kế: Trong di chúc phải thể hiện nội dung ý chí việc Ông Nội để lại tài sản cho Ba khách hàng. Trường hợp này thì quyền hưởng tài sản thừa kế của Ba khách hàng cũng bị hạn chế nếu có người thuộc trường hợp thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc theo như quy định tại Điều 644 Bộ luật dân sự 2015 gồm:
“1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
b) Con thành niên mà không có khả năng lao động”.
– Trường hợp không có di chúc hoặc di chúc không có hiệu lực: Ba của Khách hàng thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 651 Bộ luật tố tụng dân sự, vì vậy Ba của khách hàng sẽ ưu tiên được hưởng tài sản thừa kế theo pháp luật với phần di sản bằng với những người cùng hàng thừa kế thứ nhất này.
Thủ tục thỏa thuận phân chia di sản hoặc khai nhận di sản:
Trong trường hợp có nhiều người thừa kế theo pháp luật cùng với Ba của Khách hàng hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì những người đồng thừa kế có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản theo quy định tại Điều 57 Luật công chứng năm 2014.
Trong trường hợp Ba của khách hàng là người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế theo quy định tại Điều 58 Luật công chứng 2014.
Tại thời điểm này, bên công chứng sẽ thực hiện việc “niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản” theo quy định tại Điều 57, 58 Luật công chứng năm 2014, được hướng dẫn chi tiết tại Điều 18 Nghị định 29/2015.
Văn bản thỏa thuận phân chia di sản, khai nhận di sản thừa kế đã được công chứng là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của Ông Nội cho Ba của Khách hàng cũng như những người được hưởng di sản khác.
Hồ sơ cần chuẩn bị để thực hiện công chứng thỏa thuận phân chia di sản hoặc khai nhận di sản:
– Bản chính giấy chứng tử của người mất (Ông Nội của khách hàng);
– Bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất;
– Bản chính di chúc (nếu có);
– Bản chính sổ hộ khẩu, khai sinh hoặc giấy tờ khác chứng minh quan hệ thừa kế;
– Bản chính chứng minh nhân dân, căn cước công dân … của người nhận thừa kế.
Thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất:
Sau khi hoàn thành thủ tục công chứng, khách hàng chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ gồm:
– Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK.
– Bản gốc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất
– Văn bản chứng thỏa thuận phân chia di sản hoặc khai nhận di sản;
– Trường hợp người thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là người duy nhất thì phải có đơn đề nghị được đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của người thừa kế;
– Các giấy tờ tuỳ thần của người nhận thừa kế.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ trên, Khách hàng tiến hành nộp tại hồ sơ đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất tại Văn phòng đăng ký đất đai hoặc cơ quan một cửa tiếp nhận hồ sơ theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Nội dung trả lời trên đây chỉ mang tính chất thông tin, không phải là ý kiến tư vấn của Luật sư chúng tôi cho từng trường hợp cụ thể và chúng tôi không chịu trách nhiệm trong mọi trường hợp. Đối với từng trường hợp cụ thể, Quý khách hàng vui lòng liên hệ Võ Consultants để được giải đáp.
Trân trọng./.