• hello@voconsultants.vn
  • (+84) 909 865 891

Quyền nhập khẩu, phân phối bán buôn dầu, mỡ bôi trơn của công ty có vốn đầu tư nước ngoài

Index

Hiện nay, đối với các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, việc kinh doanh một số mặt hàng có điều kiện thì phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh, cụ thể mặt hàng là dầu, mỡ bôi trơn. Vì đây là một mặt hàng kinh doanh có điều kiện, cho nên đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài muốn có được quyền nhập khẩu, phân phối bán lẻ thì phải xin giấp cấp phép kinh doanh từ Sở Công Thương. Bài viết sau đây Vo Consultants sẽ cung cấp thông tin về điều kiện, thủ tục, và chế tài xử phạt để một tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được thực hiện quyền nhập khẩu, quyền phân phối bán buôn dầu, mỡ bôi trơn.

Căn cứ pháp lý

Nghị định 09/2018/NĐ-CP

Luật đầu tư 2020

Nghị định 98/2020/NĐ;

Để hiểu rõ hơn về quyền nhập khẩu, phân phối bán lẻ dầu, mỡ bôi trơn của công ty có vốn đầu tư nước ngoài, trước tiên chúng ta sẽ tìm hiểu về quy định của pháp luật về từng khái niệm.

Khái niệm cơ bản

  • Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài

Căn cứ vào khoản 21 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2020 quy định cụ thể: “Tổ chức kinh tế là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh.” Tại khoản 22 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 quy định: “Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông”. Thêm vào đó, tại khoản 19 Điều 3 Luật này cũng quy định “Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.”

Qua các căn cứ trên, ta có thể hiểu được Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp Luật Việt Nam, do các nhà đầu tư là cá nhân hoặc tổ chức nước ngoài thành lập hoặc tham gia góp vốn để thực hiện kinh doanh tại Việt Nam.

  • Quyền nhập khẩu

Căn cứ khoản 3 Điều 3 Nghị định 09/2018/NĐ-CP quy định cụ thể: “Quyền nhập khẩu là được nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam để bán cho thương nhân có quyền phân phối hàng hóa đó tại Việt Nam, bao gồm quyền đứng tên trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu để thực hiện và chịu trách nhiệm về các thủ tục liên quan đến nhập khẩu. Quyền nhập khẩu tổ chức hoặc tham gia hệ thống phân phối hàng hóa tại Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.

  • Quyền phân phối:

Phân phối là các hoạt động bán buôn, bán lẻ, đại lý hàng hóa và nhượng quyền thương mại. Quyền phân phối là quyền thực hiện trực tiếp các hoạt động phận phối, điều này được quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 3 Nghị định 09/2018/NĐ-CP

  • Bán buôn:

Cũng tại Nghị định 09/2018/NĐ-CP quy định cụ thể tại khoản 6 Điều 3 “Bán buôn là hoạt động bán hàng hóa cho thương nhân bán buôn, thương nhân bán lẻ và thương nhân, tổ chức khác; không bao gồm hoạt động bán lẻ”.

Điều kiện Cấp giấy phép kinh doanh

  • Điều kiện Cấp giấy phép kinh doanh để thực hiện quyền nhập khẩu, phân phối và bán buôn dầu, mỡ bôi trơn đối với Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Căn cứ Khoản 4 Điều 9 Nghị định 09/2018/NĐ-CP thì tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để được cấp giấy phép kinh doanh để thực hiện quyền nhập khẩu, phân phối và bán buôn dầu, mỡ bôi trơn phải đáp ứng các điều kiện sau:

  • Có kế hoạch về tài chính để thực hiện hoạt động đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh;
  • Không còn nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã thành lập tại Việt Nam từ 01 năm trở lên.

Đáp ứng các tiêu chí sau:

(1) Phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành;

(2) Phù hợp với mức độ cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước trong cùng lĩnh vực hoạt động;

(3) Khả năng tạo việc làm cho lao động trong nước;

(4) Khả năng và mức độ đóng góp cho ngân sách nhà nước.

Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện một trong các hoạt động:

(1) Sản xuất dầu, mỡ bôi trơn tại Việt Nam;

(2) Sản xuất hoặc được phép phân phối tại Việt Nam máy móc, thiết bị, hàng hóa có sử dụng dầu, mỡ bôi trơn loại đặc thù.

  • Trường hợp bị từ chối Cấp giấy phép đăng ký kinh doanh

Căn cứ tại Điều 21 Nghị định 19/2018/NĐ-CP cơ quan cấp phép sẽ từ chối cấp giấy phép kinh doanh trong các trường hợp sau:

  • Thời hạn hoạt động của dự án hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa đã hết.
  • Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đề nghị Cấp phép kinh doanh trong thời hạn 02 năm kể từ ngày bị thu hồi Giấy phép kinh doanh (quy định tại khoản 1 Điều 43 Nghị định này)

Hồ sơ đăng ký Cấp phép kinh doanh

  • Hồ sơ đăng ký cấp phép được quy định tại Điều 12 Nghị định 09/2018/NĐ-CP

Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh (Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 09/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018)

  • Bản giải trình có nội dung sau:

+ Giải trình về điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh tương ứng theo quy định

+ Kế hoạch kinh doanh: Mô tả nội dung, phương thức thực hiện hoạt động kinh doanh; trình bày kế hoạch kinh doanh và phát triển thị trường; nhu cầu về lao động; đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của kế hoạch kinh doanh;

+ Kế hoạch tài chính: Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trên cơ sở báo cáo tài chính đã được kiểm toán của năm gần nhất trong trường hợp đã thành lập ở Việt Nam từ 01 năm trở lên; giải trình về vốn, nguồn vốn và phương án huy động vốn; kèm theo tài liệu về tài chính;

  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa (nếu có).
  • Tài liệu của cơ quan thuế chứng minh không còn nợ thuế quá hạn

Cơ quan có thẩm quyền giải quyết:

Sở Công thương nơi tổ chức minh tế có vốn đầu tư nước ngoài đặt trụ sở.

Thời gian giải quyết:

28 ngày làm việc kể từ ngày hồ sơ hợp lệ (Căn cứ tại Điều 13 Nghị định 09/2018/NĐ-CP)

Xử phạt hành chính về hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo Giấy phép kinh doanh

Trường hợp tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh các hàng hóa thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (Dầu, mỡ bôi trơn)

Căn cứ vào khoản 3 Điều 6 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, quy định:

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mà không có giấy phép kinh doanh theo quy định;

b) Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi giấy phép kinh doanh được cấp đã hết hiệu lực;

c) Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhưng không đáp ứng điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định trong quá trình hoạt động kinh doanh;

d) Sử dụng giấy phép kinh doanh của thương nhân khác để kinh doanh

Trên đây là các chia sẻ của Luật sư, mang tính chất cung cấp thông tin không nhằm mục đích tư vấn và không phải là ý kiến tư vấn, Võ Consultants không chịu trách nhiệm trong mọi trường hợp.Đối với từng trường hợp cụ thể, Quý khách hàng vui lòng liên hệ Võ Consultants để được tư vấn chi tiết.

Luật sư tư vấn pháp luật doanh nghiệp: 0909 865 891 – 0901 476 391

Hoặc gửi yêu cầu qua địa chỉ email: hello@voconsultants.vn

Địa chỉ văn phòng làm việc: Tầng 8, Toà nhà Callary, số 123 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trân trọng./.

Author

Author

Lawyer Vo Thi Man

Scan the QR code to connect with us

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x