• hello@voconsultants.vn
  • (+84) 909 865 891

Quy định về hợp đồng thương mại

Index

Hợp đồng thương mại là gì?

Hầu hết các hoạt động trong xã hội đều thực hiện thông qua phương thức giao kết hợp đồng, hoạt động thương mại cũng không ngoại lệ. Theo đó tương ứng với các hoạt động thương mại, các chủ thể tham gia sẽ thực hiện giao kết các các hợp đồng thương mại để ràng buộc các quyền, nghĩa vụ của nhau trong suốt quá trình thực hiện giao dịch.

Theo quy định pháp luật hiện nay, không có quy định về khái niệm “Hợp đồng thương mại”. Tuy nhiên có thể hiểu “Hợp đồng thương mại là sự thỏa thuận giữa giữa thương nhân với thương nhân hay thương nhân với các bên có liên quan để thực hiện hoạt động thương mại nhằm mục đích sinh lợi bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác được điều chỉnh bởi Luật thương mại.

Theo đó, Khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại 2005 giải thích về hoạt động thương mại như sau:Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác”.

Và Điều 6 Luật thương mại 2005 thì Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh”.

Các loại hợp đồng thương mại

Theo các quy định tại Luật Thương Mại 2015, Hợp đồng thương mại có thể chia thành 03 nhóm sau:

  • Hợp đồng mua bán hàng hóa: Đây là nhóm hợp đồng phổ biến nhất và đa dạng nhất. Xét theo phạm vi lãnh thổ, có thể phân thành hợp đồng mua bán hàng hóa không có yếu tố quốc tế và hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (Xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu). Ngoài ra còn có hợp đồng mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa (hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn).
  • Hợp đồng dịch vụ: Ngày nay khi sự phát triển của ngành dịch vụ ngày càng mạnh, hợp đồng dịch vụ ngày càng đa dạng và rộng rãi. Có thể phân thành các loại hợp đồng dịch vụ chi tiết gồm hợp đồng cung ứng dịch vụ liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa (hợp đồng trong các hoạt động xúc tiến thương mại, trung gian thương mại, các hoạt động thương mại cụ thể khác); các hợp đồng cung ứng dịch vụ chuyên ngành (hợp đồng dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, đào tạo, du lịch…).
  • Ngoài ra còn nhóm những hợp đồng trong các hoạt động đầu tư thương mại đặc thù khác (hợp đồng giao nhận thầu xây lắp, hợp đồng chuyển nhượng dự án khu đô thị mới, khu nhà ở, dự án hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp…).

Xét về hình thức hợp đồng mua bán, cũng như hợp đồng dịch vụ, Luật thương mại 2005 quy định (1) Hợp đồng mua bán hàng hoá/ hợp đồng dịch vụ được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể. 2. Đối với các loại hợp đồng mua bán hàng hoá/ hợp đồng dịch vụ mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó”.

Vấn đề áp dụng pháp luật trong các hợp đồng thương mại được áp dụng tuần tự từ pháp luật chuyên ngành đến các quy định tại Luật thương mại, sau đó là Bộ luật dân sự. Ngoài ra, quan hệ hợp đồng thương mại có yếu tố quốc tế còn phải áp dụng những Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp cùng một nội dung nhưng có sự khác nhau trong quy định của pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế thì ưu tiên áp dụng quy định của những Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên

Các nội dung cơ bản trong soạn thảo hợp đồng thương mại

  • Thông tin các bên: Đây là nội dung cơ bản và phải có của hợp đồng thương mại. Cần lưu ý về thông tin người đại diện mỗi bên ký trên hợp đồng, người này phải được xác lập tư cách đúng theo quy định pháp luật để tránh trường hợp dẫn đến vô hiệu hợp đồng kinh doanh, thương mại.
  • Đối tượng của hợp đồng: Mỗi hợp đồng đều có đối tượng rõ ràng, cần có quy định chi tiết về chất lượng, chủng loại, quy cách, giá cả… của đối tượng hợp đồng để có cơ sở xác định về việc hiểu rõ và nhận biết rõ của các bên đối với đối tượng Hợp đồng, tránh trường hợp tranh chấp về sau.
  • Điều khoản về thanh toán: Đây là một trong những điều khoản cơ bản, ảnh hưởng đến quyền lợi cũng như trách nhiệm của chủ thể tham gia vào Hợp đồng thương mại
  • Điều khoản về vi phạm hợp đồng: Theo quy định tại Luật thương mại 2005, mức phạt vi phạm đối với hợp đồng kinh doanh, thương lại là không được quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm trừ phạt vi phạm trong trường hợp kết quả giám định sai.
  • Điều khoản bảo đảm thực hiện hợp đồng: Không phải tất cả các hợp đồng khi giao kết, các bên đều yêu cầu áp dụng các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên việc áp dụng các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng sẽ tăng tính “trách nhiệm” cho các bên khi thực hiện hợp đồng, đồng thời có cơ sở khắc một phần hậu quả do bên vi phạm gây ra.
  • Các thỏa thuận khác.
  • Điều khoản giải quyết tranh chấp.

Ngoài các điều khoản trên trong nội dung của hợp đồng thương mại có thể có “Điều khoản định nghĩa”, được sử dụng với mục đích định nghĩa (giải thích) các từ, cụm từ được sử dụng nhiều lần hoặc cần có cách hiểu thống nhất giữa các bên hoặc các ký hiệu viết tắt. Điều này thường không cần thiết với những hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ thông thường phục vụ các nhu cầu sinh hoạt hàng ngày nhưng nó rất quan trọng đối với hợp đồng thương mại quốc tế, hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng tư vấn giám sát xây dựng; bởi trong các hợp đồng này có nhiều từ, cụm từ có thể hiểu nhiều cách hoặc từ, cụm từ chuyên môn chỉ những người có hiểu biết trong lĩnh vực đó mới hiểu. Do vậy để việc thực hiện hợp đồng được dễ dàng, thống nhất cách hiểu, hạn chế phát sinh tranh chấp các bên phải làm rõ (định nghĩa) ngay từ khi ký kết hợp. Mặt khác khi có tranh chấp, kiện tụng xảy ra thì điều khoản này giúp cho những người xét xử hiểu rõ những nội dung các bên đã thỏa thuận và ra phán quyết chính xác.

Trên đây là các nội dung cơ bản về Hợp đồng thương mại do Vo & Associates Law Firm biên tập, quý khách hàng cần tư vấn chi tiết hơn vui lòng liên hệ trực tiếp Luật sư của chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.

DỊCH VỤ LUẬT SƯ TẠI CÔNG TY LUẬT TNHH VÕ & CỘNG SỰ

Hotline: 0909865891 – 0901476391

Địa chỉ email: hello@voconsultants.vn

Địa chỉ văn phòng làm việc: Tầng 8, Tòa nhà Callary, số 123 Lý Chính Thắng, phường Võ Thị Sáu, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trân trọng./.

Author

Author

Lawyer Vo Thi Man

Scan the QR code to connect with us

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x