Câu hỏi từ khách hàng: Thưa Luật sư, hiện nay, trên các nền tảng Tiktok, Facebook và nhiều mạng xã hội khác, thường xuyên quảng cáo những món hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thậm chí là “thần thánh hoá” công dụng, gây hại cho người mua.
Vậy việc những người này quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng sản phẩm như vậy có vi phạm pháp luật không? Có bị xử phạt không?
Câu trả lời của Luật sư:
Cảm ơn câu hỏi từ Quý khách hàng, sau khi tìm hiểu các quy định pháp luật, Võ & Cộng Sự giải đáp thắc mắc của Quý khách hàng như sau:
- Về hành vi quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng sản phẩm:
Theo quy định tại Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 một trong những hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo là hành vi “Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố “.
Bên cạnh đó thì điểm a khoản 1 Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 cũng quy định một trong những hành vi bị cấm gồm có: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về một trong các nội dung sau đây: a) Hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp; b) Uy tín, khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; c) Nội dung, đặc điểm giao dịch giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.”
Theo các quy định trên, có thể thấy các hành vi quảng cáo hàng hoá, dịch vụ không đúng, sai sự thật, thổi phòng công dụng sản phẩm như Quý khách hàng có đề cập là hành vi bị nghiêm cấm theo pháp luật Việt Nam. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Về các chế tài luật định đối với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ:
- Xử phạt hành chính:
Căn cứ theo khoản 5 Điều 34 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo quy định: “Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố…”.
Với một số sản phẩm đặc thù, thì tại Nghị định 38/2021/NĐ-CP cũng có các quy định về mức phạt chi tiết như:
- Đối với sản phẩm là mỹ phẩm thì tại Khoản 4 Điều 51 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định “Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo mỹ phẩm có tác dụng như thuốc gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc”.
- Đối với sản phẩm là thực phẩm, phụ gia thực phẩm thì Điểm b Khoản 4 Điều 51 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định “Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: a) Quảng cáo sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế; b) Quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; c) Quảng cáo thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh”
- Đối với thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, chất cải tạo môi trường chăn nuôi, chất cải tạo môi trường thủy sản thì “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo sai sự thật về bản chất, công dụng, chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ của thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, chất cải tạo môi trường chăn nuôi, chất cải tạo môi trường thủy sản” theo quy định tại Khoản 1 Điều 60 của Nghị định 38/2021/NĐ-CP.
- Đối với giống cây trồng, Điểm c Khoản 1 Điều 61 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy đĩnh “Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi Quảng cáo giống cây trồng không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh của tổ chức, cá nhân kinh doanh giống (số lượng, chất lượng, giá bán), nội dung ghi trên nhãn, nhãn hiệu.”
- Truy cứu trách nhiệm hình sự:
Theo quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội quảng cáo gian đối:
“1. Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”.
Tóm lại, việc quảng cáo những món hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thậm chí là “thần thánh hoá” công dụng, gây hại cho người mua trên các nền tảng Tiktok, Facebook và nhiều mạng xã hội khác có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quảng cáo. Tuỳ theo mức độ nghiêm trọng, hành vi này có thể bị xử lý hình sự theo quy định pháp luật hình sự nêu trên.
Trên đây là ý kiến tư vấn của Luật sư tại Võ Consultants liên quan đến yêu cầu tư vấn của Quý Khách trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật. Hy vọng ý kiến tư vấn của Luật sư chúng tôi sẽ hữu ích cho Quý Khách.
Đối với từng trường hợp cụ thể, Quý khách hàng vui lòng liên hệ Võ & Cộng Sự để được tư vấn chi tiết.
Số điện thoại tư vấn: 0909 865 891 – 0901 476 391
Hoạc gửi yêu cầu qua địa chỉ email: hello@voconsultants.vn
Website: https://voconsultants.vn
Địa chỉ văn phòng làm việc: Tầng 8, Toà nhà Callary, số 123 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.
Trân trọng./.