• hello@voconsultants.vn
  • (+84) 909 865 891

Ông bà giành quyền nuôi cháu khi ba mẹ ly hôn

Index

Hiện nay, với việc đề cao tính nhân văn của pháp luật, tinh thần bảo vệ quyền lợi của trẻ em luôn được Nhà nước ta chú trọng. Với tình trạng ly hôn giữa các cặp vợ chồng hiện nay, câu hỏi đặt ra là quyền lợi của con cái, trẻ em sẽ được bảo vệ như thế nào? Theo quy định của pháp luật, để đảm bảo lợi ích của trẻ em thì cha mẹ sẽ là những người đầu tiên có nghĩa vụ chăm sóc và nuôi dưỡng. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều trẻ em không được cha mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng với nhiều lý do như cha mẹ đi làm ăn xa, cha mẹ bỏ rơi, cha mẹ không có đủ điều kiện để nuôi dưỡng…Chính vì thế, việc xác định nghĩa vụ và quyền nuôi dưỡng của những người như ông bà là vô cùng cần thiết. Vậy, ông bà có được giành quyền nuôi cháu sau khi cha mẹ ly hôn hay không? Cùng Võ Consultants tìm hiểu chi tiết dưới bài viết sau.

Căn cứ pháp lý

  • Luật hôn nhân và gia đình 2014
  • Bộ luật dân sự 2015

Các vấn đề về việc con cái sẽ ở với ai sau khi cha mẹ ly hôn

Quy định của pháp luật về quyền nuôi con

Sau khi cha mẹ ly hôn, việc quyết định người nào nuôi con cái sẽ do sự thỏa thuận của cha mẹ. Trong trường hợp cha mẹ không thỏa thuận được với nhau thì Tòa án sẽ giải quyết, căn cứ theo quy định tại khoản 2 điều 81 Luật hôn nhân gia đình 2014.

Trong trường hợp không thỏa thuận được, khi giải quyết và đưa ra quyết định con cái sẽ ở với ai, Tòa án sẽ dựa vào các yếu tố sau:

  • Con 07 tuổi trở lên: Xem xét nguyện vọng của con
  • Con dưới 36 tháng tuổi: Giao cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng nếu người mẹ có đầy đủ điều kiện nuôi dưỡng. Chỉ trong trường hợp mẹ không đủ điều kiện nuôi dưỡng thì sẽ giao cho cha nuôi hoặc theo thỏa thuận của cha mẹ (nếu có) hoặc theo quyết định của Tòa.

Người không trực tiếp nuôi dưỡng có nghĩa vụ cấp dưỡng và được quyền nhưng không được lạm dụng việc thăm nuôi gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển, giáo dục của con trẻ.

Trường hợp cha mẹ không đảm bảo điều kiện nuôi con

Căn cứ vào khoản 2 Điều 85 Luật hôn nhân gia đình 2014, cha mẹ sẽ bị hạn chế quyền làm cha mẹ đối với con chưa thành niên trong các trường hợp sau:

  • “a) Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; b) Phát tán tài sản của con; c) Có lối sống đồi trụy; d) Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.”

Ngoài ra, cha mẹ có thể rơi vào trường hợp không đủ điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng con cái khi mất năng lực hành vi, mắc bệnh hiểm nghèo, khó khăn về tài chính kinh tế, điều kiện sống không đảm bảo cho con cái phát triển và nhiều yếu tố khác liên quan đến hoàn cảnh.

Từ những yếu tố trên, ông bà có thể chứng minh cha mẹ không đủ điều kiện nuôi dưỡng cháu, từ đó có quyền được nuôi dưỡng cháu của mình.

Ông bà có được giành quyền nuôi dưỡng cháu hay không?

Đối với người giám hộ của trẻ (người chưa thành niên), sẽ dựa trên nguyên tắc được quy định tại điều 52 Bộ Luật Dân sự 2015:

  • “1. Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ. 2. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 Điều này thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ. 3. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ”.

Theo đó, trường hợp trẻ em chưa thành niên không có anh hoặc chị ruột, thì ông bà (nội, ngoại) sẽ là người giám hộ.

Về quyền và nghĩa vụ của ông bà đối với cháu được quy định tại điều 104 Luật hôn nhân gia đình 2014:

  • “Ông bà nội, ông bà ngoại có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, sống mẫu mực và nêu gương tốt cho con cháu; trường hợp cháu chưa thành niên, cháu đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người nuôi dưỡng theo quy định tại Điều 105 của Luật này thì ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu.”

Theo quy định này, với cháu chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không có anh, chị, em là người nuôi dưỡng thì ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ nuôi dưỡng.

Như vậy, từ những phân tích trên, có thể kết luận rằng ông bà hoàn toàn có thể giành được quyền nuôi cháu của mình khi cha mẹ ly hôn, tuy nhiên phải đáp ứng các điều kiện sau:

  • Cha mẹ không đủ khả năng nuôi dưỡng con cái, hoặc không đảm bảo quyền được nuôi dưỡng con cái
  • Đứa trẻ không có người giám hộ là anh ruột, chị ruột đủ điều kiện chăm sóc em

Nếu chứng minh được hai điều kiện trên, ông bà hoàn toàn được quyền nuôi dưỡng chăm sóc cháu của mình theo đúng quy định của pháp luật.

>>Xem thêm bài viết về Quy định nhận con nuôi tại Việt Nam<<

Trên đây là các quy định pháp luật về vấn đề giành quyền nuôi cháu của ông bà sau khi cha mẹ ly hôn. Bài viết mang tính chất cung cấp thông tin không nhằm mục đích tư vấn và không phải là ý kiến tư vấn, Võ Consultants không chịu trách nhiệm trong mọi trường hợp.

Đối với từng trường hợp cục thể, Quý khách hàng vui lòng liên hệ Võ Consultants để được tư vấn chi tiết.

Số điện thoại tư vấn: 0909 865 891 – 0901 476 391 hoặc gửi yêu cầu qua địa chỉ email: hello@voconsultants.vn

Website: https://voconsultants.vn

Địa chỉ văn phòng làm việc: Tầng 8, Toà nhà Callary, số 123 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trân trọng./.

Author

Author

Lawyer Vo Thi Man

Scan the QR code to connect with us

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x