• hello@voconsultants.vn
  • (+84) 909 865 891

Nên rút bảo hiểm xã hội 1 lần hay chờ lương hưu?

Index

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, giai đoạn năm 2016-2021, có khoảng 4,6 triệu người hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần. Số người rút bảo hiểm xã hội 1 lần qua các năm 2020 có 860.000 người, năm 2021 có 960.000 người, năm 2022 có 895.000 người. (Nguồn: Báo Điện tử VTV)

Việc rút bảo hiểm xã hội một lần đồng nghĩa với việc người lao động có nguy cơ không đủ điều kiện nhận lương hưu để đảm bảo cuộc sống trong tương lai. Cũng chính vì vậy mà không ít người lao động thắc mắc “Nên rút bảo hiểm xã hội 1 lần để giải quyết khó khăn trước mắt hay nên chờ để hưởng lương hưu, có nguồn thu nhập khi về già?”

Trên góc độ khoa học pháp lý và nguyên tắc hoạt động của quỹ bảo hiểm xã hội, Vo & Associates có những phân tích để chúng ta cùng tham khảo và đưa ra câu trả lời.

Độ tuổi rút bảo hiểm xã hội một lần và độ tuổi hưởng lương hưu:

Tiêu chí

Rút bảo hiểm xã hội một lần

Hưởng lương hưu

Độ tuổi

Không có quy định điều kiện đối với độ tuổi của người lao động. Vì vậy, ở bất cứ độ tuổi nào người lao động cũng có thể rút bảo hiểm xã hội một lần nếu đủ điều kiện theo quy định tại Luật bảo hiểm xã hội 2014.

Người lao động phải đạt đến độ tuổi nghỉ hưu theo quy định. Cụ thể năm 2023 tuổi nghỉ hưu đối với lao động nam là 60 tuổi 9 tháng và lao động nữ là 56 tuổi.

Hiện nay, theo quy định về tuổi nghỉ hưu tại Nghị định 135/2020/NĐ-CP thì tuổi nghỉ hưu của người lao động tại Việt Nam sẽ tăng lên theo từng năm. Theo đó tuổi nghỉ hưu đối với lao động nam sẽ là 62 tuổi từ năm 2028 trở đi và tuổi nghỉ hưu của lao động nữ sẽ là 60 tuổi từ năm 2035 trở đi. Điều này đồng nghĩa với việc càng về sau thì “thời gian làm việc của người lao động càng kéo dàingười lao động sẽ phải chờ đợi lâu hơn để được nhận lương hưu.

Và trên thực tế, có rất nhiều trường hợp người lao động “đã về hưu” nhưng vẫn phải chờ đủ tuổi để được nhận lương hưu. Những khó khăn khi đã quá tuổi đi xin việc và lao động để tạo ra thu nhập nhưng lại chưa đủ tuổi để nhận được lương hưu có thể sẽ đẩy những người lao động này vào những áp lực “cơm áo gạo tiền” nếu họ chẳng may không có “quỹ dự phòng” cho bản thân hoặc không có sự hỗ trợ từ người thân.

Ngược lại, đối với rút bảo hiểm xã hội một lần, người lao động không bị ràng buộc về độ tuổi và có quyền rút bảo hiểm xã hội một lần bất cứ lúc nào ngay khi mình thỏa mãn điều kiện luật định ở bất cứ độ tuổi nào. Vì vậy rút bảo hiểm xã hội một lần giúp người lao động nhanh chóng có một khoản tiền để giải quyết những khó khăn cần đối mặt trước mắt.

(Nguồn ảnh: Internet)

Mức đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội:

Bảo hiểm xã hội hoạt động trên nguyên tắc “đóng – hưởng” và “chia sẻ” giữa những người lao động. Về bản chất đây là một quỹ an sinh xã hội, vì vậy người lao động sẽ được hưởng phúc lợi bảo hiểm xã hội căn cứ vào mức đóng góp của chính mình vào quỹ bảo hiểm xã hội. Mức đóng góp khác nhau sẽ dẫn đến mức hưởng khác nhau.

Theo quy định pháp luật hiện nay, trong cả trường hợp người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần hay hưởng lương hưu thì số tiền hưởng được đều sẽ căn cứ vào “mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội”“số năm đã đóng bảo hiểm xã hội”. Tuy nhiên, đối với thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được rút bảo hiểm xã hội một lần người lao động không yêu cầu phải đạt được một mốc thời gian nhất định mà theo đó người lao động chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (đối với Lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn) nếu đáp ứng đủ điều kiện thì được rút bảo hiểm xã hội một lần. Ngược lại đối với người lao động hưởng lương hưu thì cần thời gian tham gia bảo hiểm xã hội đủ 20 năm, trừ những ngành nghề đặc biệt là đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 54 Luật bảo hiểm xã hội 2014 được sửa đổi bổ sung bởi điểm a, khoản 1, điều 219 Bộ luật lao động 2019

Như vậy, nếu cùng một người lao động muốn được hưởng lương hưu thì về cơ bản cần sự đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội một mức tối thiểu theo quy định pháp luật và mức này sẽ cao hơn mức đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội để được rút bảo hiểm xã hội một lần.

Đây là một trong những yếu tố quan trọng mà nhiều người lao động thuộc trường hợp không còn đủ điều kiện để có thể tham gia đủ thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để được nhận lương hưu quyết định rút bảo hiểm xã hội một lần.

Lợi ích nhận được từ bảo hiểm xã hội:

Tiêu chí

Rút bảo hiểm xã hội một lần

Hưởng lương hưu

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Số tiền nhận được

Được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014 và 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần được tính bằng 22% của các mức tiền lương tháng đã đóng bảo hiểm xã hội, mức tối đa bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Riêng đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, mức hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội: 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014 và 2 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 2 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Người lao động nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2018, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.

Lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%;

Lao động nam nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng, theo đó từ năm 2022 trở đi là 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

Trường hợp giả định: Một người lao động (nữ) có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội (từ năm 2001-2020), với mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là 5.000.000 đồng/tháng. Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong năm 2022, lương hưu hưởng đến khi chết với tuổi thọ trung bình của nữ giới là 76,3 tuổi (không tính đến tác động của các yếu tố tỷ lệ lạm phát, tốc độ tăng tiền lương, tỷ lệ điều chỉnh lương hưu, lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội).

Tiền bảo hiểm xã hội 1 lần = 5.000.000 đồng * (1,5 * 13 + 2 * 7) = 167.500.000 đồng.

Tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng = 45% + 10% (5 năm từ thứ 15 trở đi) = 55%

Mức lương hưu hàng tháng = 55% *5.000.000 đồng = 2.750.000 đồng.

Số tháng hưởng lương hưu: 76,3 tuổi – 55,8 tuổi = 20,6 tuổi = 247 tháng.

Tổng mức lương hưu = 247 tháng * 2.750.000 đồng = 679.250.000 đồng.

Trợ cấp mai táng phí

Không được hưởng

Người lo mai táng được nhận 01 lần trợ cấp mai táng với mức hưởng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại thời điểm người hưởng lương hưu chết theo quy định tại khoản 1 điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Trợ cấp tử tuất một lần

Không được hưởng

Người thân theo quy định tại khoản 2 điều 67 Luật bảo hiểm xã hội 2014 được hưởng mức trợ cấp tuất hàng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hàng tháng bằng 70% mức lương cơ sở nhưng không quá 4 người. Hoặc người thân của người đóng bảo hiểm xã hội được hưởng cấp tuất 1 lần theo quy định tại điều 69, điều 70 Luật bảo hiểm xã hội 2014 với mức cấp tuất được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng bảo hiểm xã hội trước năm 2014; bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho các năm đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2014 trở đi; mức thấp nhất bằng 03 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Quyền lợi về BHYT

Không được hưởng

Được cơ quan bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế vì vậy người lao động sẽ được cấp thẻ bảo hiểm y tế hoàn toàn miễn phí

Như vậy, có thể thấy rất rõ trong điều kiện bình thường với cùng một mức đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội thì lợi ích mà người lao động nhận lương hưu hưởng được sẽ cao hơn và có phần chênh lệch khá lớn so người lao động nhận được khi lựa chọn rút bảo hiểm xã hội một lần.

Kết luận:

Về cơ bản, sự khác biệt về lợi ích nhận được từ bảo hiểm xã hội giữa việc rút bảo hiểm xã hội một lần và hưởng lương hưu sẽ là yếu tố quyết định khi người lao động đưa ra quyết định nên rút bảo hiểm xã hội một lần hay hưởng lương hưu. Tuy nhiên, tùy vào mỗi trường hợp cụ thể như độ tuổi, khả năng tiếp tục đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội mà mỗi người lao động sẽ cân nhắc lựa chọn quyết định phù hợp với bản thân mình. Và dù trong bất cứ trường hợp nào, người lao động cũng nên cân nhắc thận trọng để có được lựa chọn tối ưu, tránh đánh mất các lợi ích mà bản thân có được.

Mọi thắc mắc liên quan, Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp Vo & Associates để được giải đáp thắc mắc.

DỊCH VỤ LUẬT SƯ LAO ĐỘNG TẠI CÔNG TY LUẬT TNHH VÕ & CỘNG SỰ

Hotline: 0909865891 – 0901476391

Địa chỉ email: hello@voconsultants.vn

Địa chỉ văn phòng làm việc: Tầng 8, Tòa nhà Callary, số 123 Lý Chính Thắng, phường Võ Thị Sáu, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trân trọng./.

Author

Author

Lawyer Vo Thi Man

Scan the QR code to connect with us

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x