Trường hợp vợ hoặc chồng đang chấp hành hình phạt tù thì người còn lại có ly hôn đơn phương được hay không? Hãy cùng Võ & Cộng Sự tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Khái niệm cơ bản
Ly hôn là gì?
Theo quy định tại Khoản 14 Điều 3 Luật hôn nhân gia đình 2014: “Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án”.
Người chấp hành hình phạt tù?
Căn cứ tại Khoản 1 Điều 3 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định: “Người chấp hành án là người bị kết án, phải chịu phạt theo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật và đã có quyết định thi hành”. Như vậy, Vợ/Chồng đang chấp hành hình phạt tù là người có hành vi vi phạm pháp luật và đã bị Tòa án kết án và đang chấp hành hình phạt tù theo quyết định của Tòa án.
Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn
Căn cứ tại Điều 51 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định: “1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. 2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ. 3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Theo như Khoản 1 tại điều này, việc ly hôn đều là quyền của vợ và chồng, mỗi người đều có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
Có 2 trường hợp xãy ra, nếu Vợ/Chồng đang chấp hành hình phạt tù đồng ý ly hôn, thì Tòa án sẽ giải quyết việc ly hôn theo “thuận tình ly hôn” được quy định tại Điều 55 Luật hôn nhân gia đình 2014: “Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.”.
Trong trường hợp người yêu cầu ly hôn mà hòa giải không thành thì Tòa án sẽ giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc Vợ/Chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được, căn cứ tại khoản 1 Điều 56 Luật hôn nhân gia đình 2014: “1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được”
Đối với trường hợp Vợ/Chồng đang chấp hành hình phạt tù, có thể thấy Vợ/Chồng đã vi phạm đến nghĩa vụ của Vợ/Chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Căn cứ tại mục 8a Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐCP quy định như sau: “a.3. Mục đích của hôn nhân không đạt được là không có tình nghĩa vợ chồng; không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền giữa vợ, chồng; không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển mọi mặt.”.
Khi mục đích hôn nhân không đạt, thì ly hôn là điều tất yếu. Ngoài ra, pháp luật về hôn nhân và gia đình không có bất kỳ quy định nào cấm người vợ hoặc chồng ly hôn với người đang chấp hành hình phạt tù. Như vậy, nếu có căn cứ về việc người đang vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của Vợ/Chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì Toà án có thể xem xét việc ly hôn theo yêu cầu của Vợ/Chồng.
Thủ tục ly hôn đơn phương
Thủ tục khởi kiện vụ án ly hôn đơn phương tại Toà án gồm:
- Về thẩm quyền Toà án, căn cứ theo quy định về thẩm quyền toà án tại Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Quý khách hàng gửi hồ sơ khởi kiện vụ án ly hôn đến Toà án nhân dân cấp huyện nơi Vợ/Chồng đang chấp hành hình phạt tù hoặc Toà án nơi cư trú trước đây của Vợ/Chồng.
- Về hồ sơ cần chuẩn bị, đối với trường hợp cụ thể (không có tranh chấp về tài sản, có tranh chấp về quyền nuôi con) thì cần chuẩn bị hồ sơ như sau:
- Đơn khởi kiện vụ án ly hôn;
- Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn; Bản sao y chứng minh nhân dân/ căn cước công dân/ hộ khẩu của vợ/chồng; Bản sao y giấy khai sinh của con;
- Các tài liệu chứng minh về khả năng nuôi con như tài liệu chứng minh điều kiện về vật chất (gia cảnh, thu nhập, điều kiện kinh tế, tài sản…);
- Tài liệu chứng minh điều kiện về tinh thần (Thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm giành cho con, điều kiện cho con vui chơi, giải trí, trình độ học vấn…);
Trên đây là các chia sẽ của Luật sư, mang tính chất cung cấp thông tin không nhằm mục đích tư vấn và không phải là ý kiến tư vấn, Võ & Cộng Sự không chịu trách nhiệm trong mọi trường hợp.
Đối với từng trường hợp cụ thể, Quý khách hàng vui lòng liên hệ Võ & Cộng Sự để được tư vấn chi tiết.
Luật sư tư vấn pháp luật doanh nghiệp: 0909 865 891 – 0901 476 391
Hoặc gửi yêu cầu qua địa chỉ email: hello@voconsultants.vn
Địa chỉ văn phòng làm việc: Tầng 8, Toà nhà Callary, số 123 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.
Trân trọng./.