• hello@voconsultants.vn
  • (+84) 909 865 891

Ly hôn đơn phương khi Chồng/Vợ mất tích

Index

 

 

Vợ hoặc chồng muốn ly hôn đơn phương khi có một bên mất tích thì cần phải làm gì? Thủ tục như thế nào? Cùng Võ & Cộng Sự tìm hiểu dưới bài viết sau:

Quy định về ly hôn khi vợ hoặc chồng mất tích

Khi chồng/vợ mất tích, thì người còn lại có quyền yêu cầu ly hôn đơn phương. Tuy nhiên, trước hết người yêu cầu ly hôn phải làm thủ tục tuyên bố chồng/vợ mất tích.

  • Quy định về mất tích: Căn cứ tại khoản 1 Điều 68 bộ luật dân sự 2015 quy định về tuyên bố mất tích: “Khi một người biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích.”Thời hạn 02 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.
  • Căn cứ vào khoản 2, Điều 56 Luật Hôn nhân gia đình thì mất tích là một trong các trường hợp được pháp luật quy định được ly hôn theo yêu cầu của một bên: “Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.”
  • Như vậy, để Tòa án sẽ giải quyết cho ly hôn thì vợ hoặc chồng có vợ hoặc chồng mất tích phải thực hiện thủ tục tuyên bố mất tích đối với người đã bỏ đi biệt tích.

Thủ tục ly hôn với khi vợ hoặc chồng mất tích

  • Thực hiện thủ tục yêu cầu Tòa án tuyên bố vợ hoặc chồng mất tích

Căn cứ vào Điều 384, 385 và Điều 388 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, thủ tục tuyên bố một người mất tích được quy định như sau: 

  • Hồ sơ yêu cầu tòa án tuyên bố một người mất tích gồm các giấy tờ sau: 

     + Đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất tích; 

     + Tài liệu, chứng cứ chứng minh người bị yêu cầu tuyên bố mất tích đã biệt tích 02 năm liền trở lên 

    + Tài liệu chứng minh việc đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người bị yêu cầu tuyên bố mất tích còn sống hay đã chết. 

   + Bản sao CMND hoặc Căn cước công dân.

  • Nộp hồ sơ tại Tòa án có thẩm quyền: 

Căn cứ theo quy định  tại Điều 28 và Điều 29 Bộ Luật Dân sự 2015 thì việc giải quyết tranh chấp hôn nhân và gia đình hay các yêu cầu về ly hôn đều thuộc thẩm quyền của Tòa án.

  + Đối với trường hợp ly hôn với các đương sự trong nước:

   Thứ nhất: Về thẩm quyền theo cấp Tòa án

 “Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 (tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình) và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, cho Toà án nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân cấp huyện.” – Khoản 3, Điều 35 Bộ Luật Dân sự 2015

 Thứ hai: Về thẩm quyền Tòa án theo lãnh thổ

Căn cứ tại điểm b khoản 2 điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015: “Tòa án nơi người bị yêu cầu thông báo tìm kiếm vắng mặt tại nơi cư trú, bị yêu cầu tuyên bố mất tích hoặc là đã chết có nơi cư trú cuối cùng có thẩm quyền giải quyết yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú và quản lý tài sản của người đó, yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết;

   + Đối với trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài:

Thứ nhất: Về thẩm quyền theo cấp Tòa án

Căn cứ tại điều 36, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về thẩm quyền của Tòa án theo cấp những vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài (có một bên ở nước ngoài hoặc tài sản ở nước ngoài) thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nhân dân cấp Tỉnh.

*Đối với trường hợp ly hôn giữa công dân Việt Nam với công dân nước ngoài sống ở khu vực biên giới, không thể xác định được hai đương sự có cư trú ở Việt Nam hay không được quy định tại khoản 4 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự 2015: “Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam hủy việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam theo quy định của Bộ luật này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam.”

Thứ hai: Về thẩm quyền Tòa án theo lãnh thổ

Theo quy định tại Điều 37 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì thẩm quyền Tòa án theo lãnh thổ đối với tranh chấp về hôn nhân và gia đình được xác định là Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, trong trường hợp bị đơn không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam thì căn cứ vào khoản 1, điều 40 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định rằng: “Nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động trong các trường hợp sau đây: a) Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết; ……. c) Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam hoặc vụ án về tranh chấp việc cấp dưỡng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết;”

  • Tòa án xem xét đơn và thông báo tìm kiếm

Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích, Tòa án ra quyết định thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích. 

Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày Tòa án ra quyết định thông báo tuyên bố một người mất tích tại nơi cư trú, thông báo này phải được đăng trên một trong các báo hàng ngày của trung ương trong ba số liên tiếp, Cổng thông tin điện tử của Tòa án, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (nếu có) và phát sóng trên Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình của trung ương ba lần trong 03 ngày liên tiếp. Thời hạn thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích là 04 tháng, kể từ ngày đăng, phát thông báo lần đầu tiên. 

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn thông báo tìm kiếm thì Tòa án phải mở phiên họp xét đơn yêu cầu.

  • Quyết định tuyên bố một người mất tích

Tòa án chấp nhận đơn yêu cầu thì sẽ thông qua thủ tục tuyên bố một người mất tích theo quy định của pháp luật

  • Thủ tục ly hôn với vợ hoặc chồng mất tích

Thủ tục này sẽ được thực hiện sau khi Tòa án quyết định tuyên bố một người mất tích, vợ hoặc chồng có quyền nộp hồ sơ yêu cầu ly hôn đơn phương.

Ly hôn với người mất tích thuộc trường hợp tòa án không tiến hành hòa giải được, tòa án sẽ đưa vụ án ra xét xử. Bởi khi một người đã bị Tòa án tuyên bố mất tích tức là không thể liên hệ được với người đó và họ cũng không thể tham gia hòa giải. Do đó có thể áp dụng quy định tại khoản 2 điều 207 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 với lý do đương sự không thể tham gia hòa giải được vì có lý do chính đáng. 

Thời gian giải quyết ly hôn đơn phương với người mất tích thông thường kéo dài từ 4-6 tháng.

Trên đây là các chia sẻ của Luật sư, mang tính chất cung cấp thông tin không nhằm mục đích tư vấn và không phải là ý kiến tư vấn, Võ & Cộng Sự không chịu trách nhiệm trong mọi trường hợp.

Đối với từng trường hợp cụ thể, Quý khách hàng vui lòng liên hệ Võ & Cộng Sự để được tư vấn chi tiết. 

Luật sư tư vấn pháp luật doanh nghiệp: 0909 865 891 – 0901 476 391 

Hoặc gửi yêu cầu qua địa chỉ email: hello@voconsultants.vn 

Địa chỉ văn phòng làm việc: Tầng 8, Toà nhà Callary, số 123 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. 

Trân trọng./.

Author

Author

Lawyer Vo Thi Man

Scan the QR code to connect with us

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x