• hello@voconsultants.vn
  • (+84) 909 865 891

Lương tháng 13 – Có phải là khoản chi trả bắt buộc?

Index

Các vấn đề liên quan đến lương, thưởng, thu nhập của người lao động luôn là câu hỏi nhạy cảm đặt ra cho Doanh nghiệp. Vào giai đoạn cuối năm thì vấn đề này lại càng quan trọng hơn khi nhu cầu chi tiêu của người lao động tăng lên. Một trong những khoản “thu nhập” được mọi người lao động mong đợi đó là “lương tháng 13″. Tuy nhiên xung quanh các vấn đề pháp lý liên quan đến lương tháng 13 còn khá nhiều “thắc mắc” đặt ra cho người lao động và doanh nghiệp.

Trong bài viết hôm nay, Võ Consultants xin phân tích chi tiết về các quy định pháp luật, cũng như cách tính lương tháng 13 mà các doanh nghiệp thường hay áp dụng.

     Lương tháng 13 là gì?

Theo quy định tại Bộ luật lao động năm 2019 cũng như các văn bản pháp luật hướng dẫn liên quan thì không có khái niệm, hay cụm từ “lương tháng 13″. Tuy nhiên, theo công văn số 560/LĐTBXH-BHXH BLĐTBXH trả lời cho ngân hàng Mizuho ngày 06/02/2018 thì có thể hiểu lương tháng 13 về bản chất là một khoản tiền thưởng.

Về theo như “dân dã”, chúng ta có thể hiểu “Tiền lương tháng 13 là một khoản tiền thưởng, được ghi nhận tại: Hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc các chính sách nội bộ của doanh nghiệp… Và được doanh nghiệp chi trả cho người lao động khi kết thúc năm làm việc dương lịch hoặc trước tết âm lịch”. Như vậy, căn cứ để có thể xác định được các quy định về lương tháng 13, doanh nghiệp và người lao động sẽ căn cứ vào các văn “luật nội bộ” của chính doanh nghiệp đó.

     Doanh nghiệp có bắt buộc chi trả Lương tháng 13?

Như đã phân tích tại mục 1, pháp luật không đưa ra các quy định đối với lương tháng 13, vì vậy không có căn cứ pháp lý mang tính chất quy phạm pháp luật để xác định nghĩa vụ của doanh nghiệp trong việc chi trả lương tháng 13. Đây cũng là lý do rất nhiều người lao động thắc mắc “Doanh nghiệp có bắt buộc chi trả Lương tháng 13? Và dựa vào cơ sở nào? 

Mặc dù không được quy định theo Luật, tuy nhiên trong quan hệ lao động ngoài các văn bản pháp luật còn phải chịu ràng buộc bởi: Hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, cũng như các quy chế, văn bản nội bộ khác của doanh nghiệp. Vì vậy việc xác định lương tháng 13 có phải khoản chi trả bắt buộc hay không phải căn cứ vào quy định tại các văn bản này.

Thông thường sẽ có 03 trường hợp như sau xảy ra trên thực tế đối với quy định về lương tháng 13:

  • Trường hợp 1: Lương tháng 13 được xem là một khoản bắt buộc: 

Nếu tại Hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, cũng như các quy chế, văn bản nội bộ khác của doanh nghiệp … có quy định doanh nghiệp cam kết chi trả lương tháng 13. Trường hợp này xảy ra đối với một số doanh nghiệp có chính sách phúc lợi tốt, không căn cứ vào tình hình kinh doanh, doanh nghiệp mặc định sẽ chi trả lương tháng 13 cho người lao động.

  • Trường hợp 2: Lương tháng 13 được xem là một khoản chi trả không bắt buộc:

Xét khi Hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, cũng như các quy chế, văn bản nội bộ khác của doanh nghiệp… không có quy định nào về Lương tháng 13 thì khoản chi trả này sẽ không được xem là một khoản bắt buộc. Và khi này thì người lao động sẽ mong đợi vào sự quyết định của doanh nghiệp.

  • Trường hợp thứ ba: Lương tháng 13 được chi trả căn cứ theo tình hình kinh doanh của doanh nghiệp: 

Bản chất lương tháng 13 là một khoản tiền thưởng, và trường hợp này doanh nghiệp có các quy định về lương tháng 13 tuy nhiên sẽ có những điều kiện nhất định về doanh số, lợi nhuận, hay hiệu quả công việc… để quyết định mức chi trả lương tháng 13 cho người lao động. Và đương nhiên nếu điều kiện để chi trả lương tháng 13 không đạt được thì doanh nghiệp không có nghĩa vụ phải chi trả lương tháng 13. 

     Mức hưởng lương tháng 13:

Vì không có quy định pháp luật về mức lương tháng 13, vì vậy cũng ko có bất cứ ràng buộc nào về cách tính lương tháng 13. Tuy nhiên trên thực tế, các doanh nghiệp thường áp dụng cách tính lương tháng 13 thường theo công thức sau:

  • Làm đủ 12 tháng (bao gồm cả thời gian thử việc, học việc) thì sẽ được hưởng 1 tháng lương.
  • Nếu không làm đủ 12 tháng (hoặc có tăng/giảm lương trong thời gian làm việc), thì sẽ tính theo tỉ lệ tương đương.

Hoặc các cách tính lương khác tùy theo mỗi doanh nghiệp, và cách tính tháng 13 cũng sẽ được doanh nghiệp quy định cụ thể theo quy chế phù hợp với đặc trưng của mỗi doanh nghiệp, cũng như vị trí công việc của người lao động tại doanh nghiệp..

     Nghĩa vụ đóng BHXH:

Theo quy định tại Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:

Điều 89. Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

   1. Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).

   Người lao động quy định tại điểm i khoản 1 Điều 2 của Luật này thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương cơ sở.

   2. Đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động.

   Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các    khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.

   3. Trường hợp tiền lương tháng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bằng 20 lần mức lương cơ sở.

   4. Chính phủ quy định chi tiết việc truy thu, truy đóng tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động, người sử dụng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 122 của Luật này

Quy định này cũng được hướng dẫn chi tiết tại Thông tư 59/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc. Quyết định Số: 595/QĐ-BHXH ngày 14/04/2017 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng hướng dẫn rất cụ thể “ thu nhập tính đóng BHXH bắt buộc không bao gồm tiền thưởng có được căn cứ theo kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động”

Đồng thời thì Tại Công văn 560/LĐTBXH-BHXH của BHXH Việt Nam trả lời thắc mắc của ngân hàng Mizuho “Tiền lương tháng 13 không phải là thu nhập là căn cứ để tính đóng BHXH bắt buộc”.

Như vậy, theo các căn cứ pháp lý như trên, có thể xác định người lao động, doanh nghiệp không phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động như khoản “lương” hàng tháng.

Bài viết nêu trên trích dẫn các quy định pháp luật, cũng như các tình huống thực tế doanh nghiệp chi trả lương tháng 13 cho người lao động. Rất mong hữu ích cho người đọc, để được tư vấn chi tiết hơn quý bạn đọc có thể liên hệ với Luật sư của chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn.  

Author

Author

Lawyer Vo Thi Man

Scan the QR code to connect with us

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x