• hello@voconsultants.vn
  • (+84) 909 865 891

Kinh doanh hàng xách tay có đúng luật?

Index

Hiện nay, việc kinh doanh hàng xách tay dần dần trở nên phổ biến đối với người dân Việt Nam, thậm chí hình thức này còn được ưa chuộng trên thị trường. Tuy nhiên, xét về góc độ pháp lý, liệu việc kinh doanh hàng xách tay có đúng với quy định của pháp luật. 

Bài viết dưới đây, Võ & Cộng Sự sẽ mang đến cho chúng ta một cái nhìn tổng quát nhất về việc kinh doanh hàng xách tay.

Khái niệm cơ bản

  • Hàng xách tay là gì?

Pháp luật hiện hành không quy định cụ thể về khái niệm “hàng xách tay”, khái niệm này được những người tiêu dùng ngầm hiểu với nhau là những hàng hóa được mua trực tiếp từ nước ngoài và mang về Việt Nam bằng đường hàng không theo các hình thức khác nhau, chẳng hạn như mang về từ việc đi du lịch, đi du học hoặc tiếp viên hàng không cũng có thể xách về sau những chuyến bay.

Những hàng hóa xách tay thường rất được ưa chuộng, bởi lẽ, theo như “quảng cáo” thì đây là các loại hàng hóa có giá rẻ hơn vì không phải đóng thuế, không phải mất thời gian làm thủ tục kê khai hải quan.

  • Kinh doanh hàng xách tay là gì?

Kinh doanh hàng xách tay là hình thức kinh doanh những món hàng được xách tay từ các nước khác về Việt Nam. Hình thức này được cho là hợp pháp khi hàng hóa xách tay bạn kinh doanh có đầy đủ thông tin và đáp ứng được các quy định của pháp luật. Ngược lại, đối với những món hàng không đáp ứng được các yêu cầu theo quy định của pháp luật sẽ bị xếp vào bảng hàng lậu. Và những người kinh doanh hàng lậu là những người vi phạm pháp luật.

Đối với việc thực hiện kinh doanh hàng xách tay, chủ thể kinh doanh phải xin giấy phép kinh doanh trong các trường hợp cụ thể. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định các trường hợp kinh doanh mà không cần đăng ký kinh doanh, các trường hợp này chỉ bao gồm buôn bán hàng hàng rong, lề đường. Đối với những trường hợp không thuộc điều khoản trên, pháp luật buộc chủ kinh doanh phải đăng ký kinh doanh.

Quy định của pháp luật hiện hành về kinh doanh hàng xách tay:

  • Quy định của pháp luật về hàng hóa xách tay được phép kinh doanh:

Nếu “hàng xách tay” đảm bảo có đủ các điều kiện về nhập khẩu; tem mác, giấy tờ; và đóng đủ các loại thuế, phí theo quy định thì sẽ không bị cho là bán hàng nhập lậu; và không vi phạm pháp luật, cụ thể: việc kinh doanh hàng xách tay phải đảm bảo các tiêu chí sau:

+ Hàng hóa bạn chọn kinh doanh đã được thông qua hải quan theo thủ tục đối với hành lí của người xuất, nhập cảnh, được quy định tại điều 59 Nghị định 08/2015/NĐ-CP. 

+ Hàng hóa bán ra thị trường cần đảm bảo đúng số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan với cơ quan chức năng có thẩm quyền. 

+ Nguồn hàng hóa xách tay bán ra thị trường không trong danh sách những mặt hàng cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật. 

+ Hàng hóa bạn chọn kinh doanh xách tay cần phải có hóa đơn, chứng từ kèm theo và cần đáp ứng được những quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn. 

+ Bắt buộc đóng những loại thuế phí theo quy định của pháp luật đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài thì khi về đến Việt Nam như thuế nhập khẩu, phí thông quan tại hải quan, thuế giá trị gia tăng, một số hàng hóa cần đóng thêm phí tiêu thụ đặc biệt và thuế môi trường. 

Căn cứ những quy định trên, nếu bạn bán “hàng xách tay” và đảm bảo có đủ các điều kiện về nhập khẩu, tem mác, giấy tờ và đóng đủ các loại thuế, phí theo quy định sẽ không phải bán hàng nhập lậu và không bị xử phạt.

Ngược lại, nếu hàng hóa của bạn kinh doanh không đáp ứng đủ các điều kiện trên thì sẽ được xếp vào hàng lậu, và người kinh doanh sẽ bị phạt theo quy định của pháp luật nếu kinh doanh hàng lậu.

  • Quy định của pháp luật về hàng lậu.

Pháp luật hiện nay có quy định rất cụ thể về hàng lậu, cụ thể căn cứ theo khoản 6 Điều 3 Nghị định 98 năm 2020, hàng hóa nhập lậu bao gồm:

“a) Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép nhập khẩu; b) Hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc hàng hóa nhập khẩu theo điều kiện mà không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật; c) Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan; d) Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn; đ) Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.”

Nếu như đúng theo “quảng cáo” của những người kinh doanh hàng xách tay thì sản phẩm xách tay không phải nộp thuế, không làm thủ tục hải quan… thì những hàng hóa này chính là hàng hóa nhập lậu theo quy định tại Nghị định 98/NĐ-CP

Tuy nhiên, không phải tất cả hàng xách tay đều là hàng hóa nhập lậu. Hàng xách tay không phải hàng nhập lậu khi đảm bảo các điều kiện như có hoá đơn chứng từ kèm theo rõ ràng, không trong danh mục những mặt hàng cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật, hàng hoá có dán tem nhập khẩu và đóng thuế đầy đủ theo quy định như đã phân tích ở mục 2.

Khi kinh doanh hàng lậu, người kinh doanh sẽ phải đối diện với những chế tài của pháp luật.

  • Mức xử phạt khi kinh doanh hàng xách tay theo hình thức nhập lậu.

Đối với hình thức xử phạt, Nghị định 98/2020 quy định cụ thể như sau:

Mức phạt đối với việc kinh doanh hành xách tay nhập lậu sẽ dựa trên giá trị hàng hóa:

“Giá trị của hàng hóa nhập lậu Dưới 03 triệu đồng. Mức phạt 500.000 – 01 triệu đồng 

Giá trị của hàng hóa nhập lậu 03 – dưới 05 triệu đồng. Mức phạt 01 – 02 triệu đồng 

Giá trị của hàng hóa nhập lậu 05 – dưới 10 triệu đồng. Mức phạt 02 – 04 triệu đồng 

Giá trị của hàng hóa nhập lậu 10 – dưới 20 triệu đồng. Mức phạt 04 – 06 triệu đồng 

Giá trị của hàng hóa nhập lậu 20 – dưới 30 triệu đồng. Mức phạt 06 – 10 triệu đồng 

Giá trị của hàng hóa nhập lậu 30 – dưới 50 triệu đồng. Mức phạt 10 – 20 triệu đồng 

Giá trị của hàng hóa nhập lậu 50 – dưới 70 triệu đồng. Mức phạt 20 – 30 triệu đồng 

Giá trị của hàng hóa nhập lậu 70 – dưới 100 triệu đồng. Mức phạt 30 – 40 triệu đồng 

Giá trị của hàng hóa nhập lậu Trên 100 triệu đồng. Mức phạt 40 – 50 triệu đồng”

Phạt tiền gấp 02 lần bảng nêu trên đối với: 

Người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100 triệu đồng hoặc từ 100 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Hàng nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu; Hàng nhập lậu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn… Mức phạt nêu trên áp dụng với cá nhân. Mức phạt với tổ chức vi phạm gấp đôi mức phạt với cá nhân. 

Ngoài ra, việc kinh doanh hàng hóa “trốn thuế” còn có thể bị xử lý hình sự về Tội buôn lậu theo Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung sửa đổi  năm 2017.

Những rủi ro khi kinh doanh hàng xách tay

Đối với việc kinh doanh hàng xách tay, việc xuất hiện rủi ro là điều khó tranh khỏi, rủi ro cho cả người kinh doanh và cả người mua. 

Đối với người kinh doanh hàng xách tay, nếu không thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, sẽ phải chịu một mức phạt không hề nhỏ, ảnh hưởng tới cả uy tín kinh doanh.

Đối với người tiêu dùng, rủi ro cũng sẽ là rất lớn, vì hàng xách tay là nhóm hàng nhập khẩu không chính thức, không chịu sự kiểm tra, giảm sát của Nhà nước vì thế khó biết được xuất xứ sản phẩm rõ ràng nên người tiêu dùng dễ dàng mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

Trên đây là các chia sẻ của Luật sư, mang tính chất cung cấp thông tin không nhằm mục đích tư vấn và không phải là ý kiến tư vấn, Võ & Cộng Sự không chịu trách nhiệm trong mọi trường hợp. 

Đối với từng trường hợp cụ thể, Quý khách hàng vui lòng liên hệ Võ & Cộng Sự để được tư vấn chi tiết. 

Luật sư tư vấn pháp luật doanh nghiệp: 0909 865 891 – 0901 476 391 

Hoặc gửi yêu cầu qua địa chỉ email: hello@voconsultants.vn 

Địa chỉ văn phòng làm việc: Tầng 8, Toà nhà Callary, số 123 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. 

Trân trọng./.

Author

Author

Lawyer Vo Thi Man

Scan the QR code to connect with us

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x