Tử hình – là hình phạt nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt chính theo quy định tại Điều 32 Bộ Luật Hình Sự 2015. Hình phạt tử hình chỉ áp dụng theo quyết định của Toà án thông qua một bản án có hiệu lực pháp luật và chỉ áp với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật hình sự 2015 quy định.
Hình phạt tử trước hết, là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước áp dụng đối với người phạm tội; mục đích của hình phạt nhằm trừng trị vào giáo dục người phạm tội, giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, đấu tranh phòng, chống tội phạm
Vì tính chất nghiêm trọng – chấm dứt sự sống của một con người, vì vậy hình phạt tử hình không được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử. Và không thi hành án tử hình đối với người bị kết án là Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; Người đủ 75 tuổi trở lên; Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Hình phạt tử hình có những đặc điểm riêng sau đây:
Thứ nhất, chỉ được quy định áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, là một loại hình phạt nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt, tước đi quyền sống của người bị kết án.
Thứ hai, có mục đích phòng ngừa tái phạm tội mới một cách triệt để từ phía người bị kết án, không có mục đích cải tạo, giáo dục người bị kết án, nó tước bỏ cơ hội tái hòa nhập và phục thiện của họ.
Thứ ba, có khả năng đạt được nhiều hiệu quả cao trong phòng ngừa chung với toàn xã hội.
Thứ tư, tước đi khả năng khắc phục sai lầm trong hoạt động tư pháp vì hình phạt này có tính chất không thay đổi nếu phát hiện oan sai.
Các tội danh áp dụng hình phạt tử hình theo Bộ luật hình sự 2015:
Theo quy định tại Bộ luật hình sự 2015, khung hình phạt tử hình được quy định tại các tội danh:
- Tội phản bội tổ quốc;
- Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân;
- Tội gián diệp;
- Tội bạo loạn;
- Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân;
- Tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Tội giết người;
- Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi
- Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh
- Tội sản xuất trái phép chất ma túy
- Tội tàng trữ trái phép chất ma tuý
- Tội mua bán trái phép chất ma tuý
- Tội khủng bố;
- Tội tham ô tài sản;
- Tội nhận hối lộ;
- Tội đánh tháo người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, người đang bị áp giải, xét xử, chấp hành án phạt tù
- Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược
- Tội chống loài người;
- Tội phạm chiến tranh
Khi phạm các tội danh trên có mức độ nguy hại cho xã hội đặc biệt nghiêm trọng, căn cứ theo quy định chi tiết tại Bộ luật hình sự 2015, người phạm tội có khả năng bị Toà kết án vào khung hình phạt tử hình.
Xu hướng áp dụng quy định đối với hình phạt tử hình.
Do tính chất hà khắc của tử hình mà từ đầu thế kỷ XVIII, nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu quá trình loại bỏ hình phạt tử hình. Và cho tới nay, các tranh luận về loại bỏ hình phạt tử hình vẫn là nội dung còn nhiều tranh cãi. Đối với quan điểm loại bỏ hình phạt tử hình ra khỏi đạo luật hình thì các quốc gia cho rằng:
(1) Hình phạt tử hình không hẳn là một biện pháp răn đe hiệu quả;
(2) Hình phạt tử hình đã thi hành sẽ không thể khắc phục được hậu quả trong trường hợp oan sai;
(3) Việc áp dụng hình phạt tù chung thân đối với những người phạm tội mà bị coi là mối đe dọa cho xã hội sẽ có tác dụng ngăn ngừa những người này tái phạm giống như hình phạt tử hình;
(4) Thực tế việc áp dụng hình phạt tử hình để trừng trị kẻ phạm tội nhằm bù đắp cho những mất mát đối với nạn nhân và gia đình của họ là điều không cần thiết;
(5) Quan điểm cho rằng, hình phạt tử hình “đỡ tốn kém” hơn so với hình phạt tù chung thân là không hoàn toàn chính xác.
Xu hướng phát triển của nhà nước pháp quyền và sự tiến bộ của xã hội, yếu tố nhân đạo hóa pháp luật hình sự khuyến khích các nước loại bỏ hoặc hạn chế việc sử dụng hình phạt tử hình.