Vấn đề “thu hồi công nợ” luôn là bài toán khó cho tất cả các doanh nghiệp tại Việt Nam. Đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra, khiến cho nhiều doanh nghiệp khó khăn về vấn đề tài chính. Bên cạnh đó, cũng có những doanh nghiệp cố tình “chiếm dụng vốn” của đối tác. Đi kèm với đó là quy trình thủ tục để khởi kiện một vụ án thu hồi công nợ tại Việt Nam khá dài, và rất nhiều trường hợp mặc dù đã có bản án nhưng vẫn không thể thực hiện thi hành án vì các doanh nghiệp không có tài sản để thi hành án. Việc doanh nghiệp không thu hồi được công nợ hoặc phải mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để có thể thu hồi được phần “công nợ” vốn dĩ mình có quyền được hưởng đang gây ra một hệ luỵ rất tiêu cực, giảm sút lòng tin trong kinh doanh cũng như đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ vào tình trạng khó khăn, thậm chí là phá sản.
Bài toán đang đặt ra cho tất cả các doanh nghiệp khi rơi vào trường hợp “có công nợ, nhưng đòi mãi không trả” luôn là “Làm sao để thu hồi được Công nợ”? Trong bài viết này, người viết giới hạn về các vấn đề liên quan đến thanh toán công nợ theo Hợp đồng mua bán, Hợp đồng cung ứng dịch vụ giao kết giữa các thương nhân sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước, không có vốn đầu tư công, vốn ODA.
Quy định pháp luật về nghĩa vụ thanh toán:
Theo quy định định tại Bộ luật dân sự 2015 về nghĩa vụ thanh toán đối hợp đồng mua bán tài sản như sau:
“Điều 440. Nghĩa vụ trả tiền
- Bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền theo thời hạn, địa điểm và mức tiền được quy định trong hợp đồng.
- Trường hợp các bên chỉ có thỏa thuận về thời hạn giao tài sản thì thời hạn thanh toán tiền cũng được xác định tương ứng với thời hạn giao tài sản. Nếu các bên không có thỏa thuận về thời hạn giao tài sản và thời hạn thanh toán tiền thì bên mua phải thanh toán tiền tại thời điểm nhận tài sản.
- Trường hợp bên mua không thực hiện đúng nghĩa vụ trả tiền thì phải trả lãi trên số tiền chậm trả theo quy định tại Điều 357 của Bộ luật này.”
Hoặc trong trường hợp là hợp đồng thương mại thì tại Luật thương mại 2005 cũng có quy định liên quan đến việc thanh toán đối hợp đồng mua bán như sau:
“Điều 50. Thanh toán
- Bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền mua hàng và nhận hàng theo thỏa thuận.
- Bên mua phải tuân thủ các phương thức thanh toán, thực hiện việc thanh toán theo trình tự, thủ tục đã thỏa thuận và theo quy định của pháp luật”
Hoặc theo quy định tại khoản 8 và khoản 9 Điều 3 Luật thương mại 2005 cũng có các giải thích liên quan đến nghĩa vụ thanh toán trong hợp đồng mua bán hàng hoá, hợp đồng cung ứng dịch vụ như sau:
“8. Mua bán hàng hoá là hoạt động thương mại, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hóa theo thỏa thuận.
9. Cung ứng dịch vụ là hoạt động thương mại, theo đó một bên (sau đây gọi là bên cung ứng dịch vụ) có nghĩa vụ thực hiện dịch vụ cho một bên khác và nhận thanh toán; bên sử dụng dịch vụ (sau đây gọi là khách hàng) có nghĩa vụ thanh toán cho bên cung ứng dịch vụ và sử dụng dịch vụ theo thỏa thuận.”
Như vậy, đối với các hợp đồng giữa các bên là thương nhân không bị ràng buộc về vốn nhà nước, vốn đầu tư công, vốn ODA thì cả Luật thương mại và Luật dân sự điều trên tinh thần tôn trọng quyền tự quyết của các bên trong việc tự thỏa thuận vấn đề thanh toán, chỉ trong trường hợp các bên không tự thoả thuận với nhau thì mới áp dụng đến các quy định chi tiết như đã trích dẫn ở trên.
Trên thực tế, tùy theo mỗi hợp đồng, các điều khoản cụ thể về thanh toán sẽ được các bên thỏa thuận thanh toán phù hợp với khả năng đáp ứng, cũng như sự tin tưởng giữa các bên. Mặc dù vậy, không phải các hợp đồng nào việc thanh toán cũng có thể được các bên thực hiện một cách trọn vẹn và đúng thời hạn.
Các nguyên nhân dẫn đến vi phạm nghĩa vụ thanh toán:
Trên thực tế, việc vi phạm nghĩa vụ thanh toán có rất nhiều, tuy nhiên chúng ta sẽ có những nguyên nhân điển hình như sau:
Điều khoản về thanh toán không được quy định rõ ràng.
Mặc dù điều khoản thanh toán là điều khoản cơ bản phải có trong hợp đồng mua bán, hợp đồng cung ứng dịch vụ. Tuy nhiên cũng có thể vì những lý do chủ quan hoặc khách quan khác nhau mà các bên không có những quy định cụ thể về điều khoản thanh toán như: Không xác định rõ thời gian thanh toán, hồ sơ thanh toán, điều kiện thanh toán… Việc này khiến cho các bên theo hợp đồng lúng túng trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình. Bên bán/ bên cung ứng dịch vụ khó xác định hồ sơ thanh toán, điều kiện thanh toán… để từ đó có đề nghị thanh toán đúng theo quy định để yêu cầu bên mua/ bên nhận cung ứng dịch vụ tiến hành thanh toán. Và tương tự, Bên mua/ bên nhận cung ứng dịch vụ không xác định được rõ hồ sơ thanh toán để có thể thực hiện việc thanh toán. Cũng chính vì như vậy, đối với các hồ sơ thanh toán phải thông qua nhiều phòng ban liên quan, thì việc quy định không rõ ràng này có thể dẫn đến việc không thể thực hiện được việc thanh toán một cách nhanh chóng, gây ra bất lợi cho bên cần nhận thanh toán.
Bên bán, cung cấp dịch vụ bán hàng hóa/cung cấp dịch vụ không đạt tiêu chuẩn chất lượng theo hợp đồng dẫn đến bên mua/nhận cung ứng dịch vụ không thực hiện nghĩa vụ thanh toán:
Chất lượng hàng hóa và dịch vụ là yếu tố quyết định đến sự lựa chọn nhà cung cấp. Tuy nhiên không phải lúc nào bên mua/ bên nhận cung cấp dịch vụ cũng có thể lực chọn được nhà cung cấp đáp ứng được chất lượng hàng hoá, dịch vụ theo như mong muốn. trường hợp mua phải hàng hoá hoặc nhận dịch vụ có chất lượng không đúng với thỏa thuận ban đầu. Với mong muốn “cầm cái cán” trong tay, Bên mua/ bên cung ứng dịch vụ sẽ chủ động trì hoãn việc thanh toán để nhằm buộc bên bán/ bên cung ứng dịch vụ phải đưa ra hướng giải quyết cho vấn đề chất lượng hàng hoá, dịch vụ. Trong một vài trường hợp, các bên không quy định rõ về chất lượng hàng hóa theo hợp đồng, cũng là một trong những nguyên nhân gây ra mâu thuẫn trong quá trình thực hiện hợp đồng. Và tương tự như trên, Bên mua/ Bên nhận cung ứng dịch vụ phải lựa chọn phương án trì hoãn thanh toán để có “thúc đẩy” việc giải quyết vấn đề chất lượng hàng hoá, dịch vụ.
Bên mua/bên nhận cung ứng dịch vụ mất khả năng thanh toán:
Việc mất khả năng thanh toán của một doanh nghiệp có thể là mất khả năng thanh toán tạm thời và cũng có thể là mất khả năng thanh toán vĩnh viễn. Trong bất cứ trường hợp nào thì cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho đối tác, nhà cung cấp. Trong trường hợp Bên mua/ bên nhận cung ứng dịch vụ mất khả năng thanh toán tạm thời thì bên bán/ bên nhận thanh toán có thể nhận được số tiền thanh toán nhưng sẽ bị kéo dài thời gian, thậm chí các khoản tiền thanh toán sẽ bị chia nhỏ ra để thanh toán dần. Đối với trường hợp bên mua/ bên nhận cung ứng dịch vụ mất khả năng thanh toán vĩnh viễn thì số tiền công nợ sẽ vô cùng khó khăn trong việc thu hồi. Và theo đúng quy định hiện nay, phải thông qua thủ tục phá sản doanh nghiệp để thực hiện việc thu hồi phần công nợ còn thiếu và thậm chí là có nguy cơ không thu hồi được số công nợ này. Và dù trong trường hợp nào thì cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính của bên cần thu hồi công nợ, trong rất nhiều trường hợp gián tiếp khiến cho bên bán/ bên cung ứng dịch vụ rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán.
Bên mua/bên nhận cung ứng dịch vụ cố ý “chiếm dụng vốn” của Bên bán/ bên cung ứng dịch vụ:
Trên thực tế, không có ít doanh nghiệp cố ý chiếm dụng vốn của đối tác để thực hiện các dự án, công việc khác. Ngoài nguyên nhân chủ quan từ ý chí của doanh nghiệp, một phần cũng do những hạn chế trong việc áp dụng chế tài xử lý thu hồi công nợ theo pháp luật hiện nay. Thu hồi công nợ thông qua Tòa án hiện nay đang bị kéo dài, thêm vào đó là những khó khăn trong việc thi hành án dẫn đến tâm lý chây ỳ, trốn tránh trách nhiệm thanh toán của doanh nghiệp.
Do nguyên nhân khách quan như dịch bệnh, dịch họa, lũ lụt:
Đây cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tài chính của doanh nghiệp, gián tiếp dẫn đến tình trạng “công nợ xấu”. Thời gian vừa qua tại Việt Nam cũng như toàn thế giới phải gánh chịu những tổn thất nặng nề về người và tài sản do đại dịch Covid-19 gây ra; cũng vì vậy mà trên thực tế đã khiến rất nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn, thậm chí là phá sản.
Các lưu ý khi chuẩn bị hồ sơ khởi kiện công nợ:
-
Hồ sơ pháp lý phải đầy đủ:
Tùy theo từng loại hợp đồng, cũng như quy định cụ thể tại Hợp đồng mà quyền yêu cầu thanh toán và hồ sơ đề nghị thanh toán công nợ sẽ có những sự khác biệt. Đối với một số hợp đồng mà hồ sơ thanh toán có những yêu cầu phức tạp như hợp đồng xây dựng, hợp đồng mua bán hàng hoá cần có kiểm định chất lượng, giấy tờ pháp lý đi kèm hồ sơ thanh toán… thì Bên bán/Bên cung cấp dịch vụ phải có sự chuẩn bị đầy đủ tất cả các giấy tờ pháp lý đính kèm và đảm bảo các giấy tờ này phù hợp theo quy định pháp luật cũng như quy định tại Hợp đồng, để có đầy đủ cơ sở chứng minh được khoản công nợ cần thu hồi đã đến thời hạn thanh toán, cũng như đủ điều kiện yêu cầu thanh toán.
Ngoài ra, trên thực tế rất nhiều trường hợp hợp đồng quy định về việc Bên mua/bên nhận dịch vụ sẽ thanh toán cho Bên Bán/ Bên cung ứng dịch vụ sau khi nhận đầy đủ hồ sơ thanh toán theo quy định tại Hợp đồng. Tuy nhiên khi khởi kiện vụ án ra Toà thì người khởi kiện lại không có chứng cứ chứng minh được thời gian đã giao đầy đủ hồ sơ đề nghị thanh toán cho bị đơn vì thực tế, do sự tin tưởng cũng như bất cẩn của việc giao nhận hồ sơ, mà các bên không có bất cứ biên bản ghi nhận gì để chứng minh. Vì vậy, các doanh nghiệp cần lưu ý thực hiện việc ký xác nhận viên bản nhận hồ sơ thanh toán hoặc gửi qua đường bưu điện, cũng như bằng bất cứ phương thức nào khác để chứng minh được thời gian này.
-
Thời hiệu khởi kiện thu hồi công nợ:
Theo Điều 319, Luật thương mại năm 2005 “Thời hiệu khởi kiện áp dụng đối với các tranh chấp thương mại là hai năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, trừ trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 237 của Luật này”.
Tức là, thời hiệu khởi kiện áp dụng đối với các tranh chấp thương mại là hai năm, kể từ ngày thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm (trừ trường hợp miễn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics). Nếu khoản nợ phát sinh tại hợp đồng thương mại trong 02 năm trở lại, thời hiệu để thực hiện khởi kiện là còn thời gian. Nếu khoản nợ phát sinh sau 02 năm, hoặc nhiều hơn việc chứng minh thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm là rất khó.
Trong trường hợp, các bên ký kết hợp đồng có quy định các điều khoản liên quan đến việc khoản tiền hàng, tiền công nợ, thì có thể khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng. Lúc này, thời hiệu khởi kiện căn cứ vào Điều 429 Bộ luật dân sự 2015. “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.”
Về thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm liên quan trực tiếp đến việc xác định thời hiệu khởi kiện, pháp luật không có hướng dẫn cụ thể. Việc xác định thời điểm này căn cứ thực tế từng vụ việc, thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm được xác định thông qua giấy ghi nợ, biên bản xác nhận công nợ, giấy cam kết trả nợ…
Tuy nhiên, khi thời hiệu khởi kiện thu hồi nợ khó đòi đã hết, doanh nghiệp vẫn có thể xác lập lại thời hiệu khởi kiện mới trong các trường hợp sau:
– Bên cho nợ phải gửi văn bản yêu cầu bên nợ xác nhận lại số nợ vào tài liệu đó. Bên nợ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ đối doanh nghiệp.
– Bên nợ thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với doanh nghiệp.
– Bên cho nợ và bên nợ tự hòa giải với nhau. Sau đó, bên nợ lại tiếp tục không nghĩa vụ trả nợ.
-
Xác định Tòa án có thẩm quyền để gửi đơn khởi kiện.
Việc xác định đúng Tòa án có thẩm quyền giải quyết đơn khởi kiện giúp cho việc giải quyết tranh chấp được nhanh chóng hơn. Căn cứ theo Khoản 1, Điều 35, Khoản 1, Điều 40 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp huyện. Đối với các tranh chấp kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài thì thẩm quyền thuộc tòa án nhân dân cấp tỉnh. Khởi kiện tại tòa án nhân dân cấp quận, huyện nơi doanh nghiệp bị khởi kiện (bị đơn) có trụ sở chính hoặc nơi bị đơn có chi nhánh.
-
Hồ sơ khởi kiện thu hồi công nợ
Khi tiến hành khởi kiện cần chuẩn bị các tài liệu sau:
– Đơn khởi kiện (Phải đảm bảo đầy đủ các nội dung được quy định tại Khoản 4, Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015).
– Tài liệu chứng minh tư cách pháp lý của doanh nghiệp như giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư…(Bản sao có công chứng)
– Các tài liệu liên quan đến vụ tranh chấp: hợp đồng, hóa đơn, phiếu xuất kho, phiếu giao hàng, biên bản xác nhận công nợ giữa hai bên, công văn hoặc thông báo nhắc nợ .v.v.
Hợp đồng là một trong những chứng từ quan trọng để chứng minh nguồn gốc phát sinh công nợ. Tuy vậy, nếu hợp đồng giữa hai bên đã bị mất thì doanh nghiệp vẫn có khả năng thu hồi khoản nợ đó nếu còn các văn bản chứng từ chứng minh cho việc hai bên đã thực hiện hợp đồng như: hóa đơn, biên bản giao nhận hàng hóa, các biên bản làm việc, đối chiếu công nợ .v.v. Do đó, doanh nghiệp vẫn có cơ sở làm việc giải quyết thu hồi công nợ.
-
Nộp đơn khởi kiện
Người khởi kiện nộp đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ mà mình hiện có đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức sau đây:
a) Nộp trực tiếp tại Tòa án;
b) Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
c) Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có). tục tiếp nhận và
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện. Trong trường hợp vụ việc đủ điều kiện thụ lý thì Tòa án cho người khởi kiện nộp tạm ứng án phí trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được thông báo. Vụ án được thụ lý giải quyết sau khi nhận được biên lai nộp tạm ứng án phí của người khởi kiện.
Việc phải khởi kiện một vụ án công nợ là điều không bên nào mong muốn. Tuy nhiên nếu bên cho nợ không thể tự thực hiện việc thu hồi thì khởi kiện ra Toà án là lựa chọn tốt nhất. Tuy nhiên, người khởi kiện cần nắm các quy định pháp luật để có thể thực hiện quyền của mình một cách triệt để.