Kiểu dáng công nghiệp là gì?
Theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 1 Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 thì kiểu dáng công nghiệp là: “13. Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm hoặc bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp, được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này và nhìn thấy được trong quá trình khai thác công dụng của sản phẩm hoặc sản phẩm phức hợp.”
Các tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp được quy định tại khoản 25 Điều 1 Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 bao gồm:
- Tác giả tạo ra sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí bằng công sức và chi phí của mình.
- Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc, tổ chức, cá nhân được giao quản lý nguồn gen cung cấp nguồn gen, tri thức truyền thống về nguồn gen theo hợp đồng tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc trường hợp quy định tại Điều 86a của Luật này.
Trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân cùng nhau tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí thì “thì các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký và quyền đăng ký đó chỉ được thực hiện nếu được tất cả các tổ chức, cá nhân đó đồng ý” (Khoản 3 Điều 86 Luật sở hữu trí tuệ 2005).
Điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp?
Theo quy định tại Điều 63 Luật sở hữu trí tuệ 2005, điều kiện chung đối với các kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ gồm:
- Có tính mới: Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính mới khi kiểu dáng công nghiệp đó có sự khác biệt đáng kể với các kiểu dáng công nghiệp đã được công khai dưới hình thức sử dụng.
- Có tính sáng tạo: Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính sáng tạo nếu căn cứ vào các kiểu dáng công nghiệp đã được công khai dưới hình thức sử dụng, kiểu dáng công nghiệp này không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với những người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng.
- Có khả năng áp dụng công nghiệp: Kiểu dáng công nghiệp được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể dùng để làm mẫu để chế tạo hàng loạt sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp đó bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.
Hồ sơ đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Hồ sơ đăng ký kiểu dáng công nghiệp được quy định tại Phụ lục A Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN, gồm:
- 02 Tờ khai đăng ký kiểu dáng công nghiệp, mẫu số 03-KDCN
- Đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp là 01 bộ ảnh chụp hoặc bộ bản vẽ và bản mô tả kiểu dáng công nghiệp (Điểm a, khoản 7 Điều 1 Thông tư 16/2016/TT-BHKCN)
- 04 bộ ảnh chụp/bản vẽ kiểu dáng công nghiệp
- Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ)
Đối với hồ sơ đăng ký kiểu dáng công nghiệp, đơn đăng ký,tờ khai và bản mô tả kiểu dáng công nghiệp đều có những quy định về yêu cầu rất cụ thể:
Yêu cầu đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Theo quy định tại Điểm a Khoản 28 Điều 1 Thông tư 16/2016/TT-BKHCN, yêu cầu đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp gồm:
“33.2 Đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp phải bảo đảm tính thống nhất quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 101 của Luật Sở hữu trí tuệ và theo các quy định tại điểm này.
a) Đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được coi là bảo đảm tính thống nhất nếu:
(i) Yêu cầu bảo hộ một kiểu dáng công nghiệp của một sản phẩm; hoặc
(ii) Yêu cầu bảo hộ kiểu dáng công nghiệp của nhiều sản phẩm trong một bộ sản phẩm, trong đó mỗi sản phẩm có một kiểu dáng công nghiệp tương ứng; hoặc
(iii) Yêu cầu bảo hộ một kiểu dáng công nghiệp của một sản phẩm kèm theo một hoặc nhiều phương án biến thể của kiểu dáng công nghiệp đó. Phương án đầu tiên phải là phương án cơ bản. Các phương án biến thể của một kiểu dáng công nghiệp phải không khác biệt đáng kể với phương án cơ bản và không khác biệt đáng kể với nhau.
b) Sản phẩm được hiểu là đồ vật, dụng cụ, thiết bị, phương tiện, hoặc bộ phận dùng để lắp ráp, hợp thành các sản phẩm đó, được sản xuất bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp, có kết cấu và chức năng rõ ràng, được lưu thông độc lập.”.
Yêu cầu đối với tờ khai đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Căn cứ tại điểm 33.4 Khoản 33 Mục 4 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN quy định:
“Người nộp đơn phải nộp 02 tờ khai theo mẫu 03-KDCN quy định tại Phụ lục A của Thông tư này. Ngoài các mục cần khai khác, trong tờ khai phải nêu chỉ số phân loại quốc tế kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ phù hợp với Bảng phân loại quốc tế về kiểu dáng công nghiệp (theo Thoả ước Locarno). Nếu người nộp đơn không phân loại hoặc phân loại không chính xác thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ phân loại và người nộp đơn phải nộp phí phân loại theo quy định.”
Yêu cầu đối với bản mô tả kiểu dáng công nghiệp
Căn cứ tại Điểm c khoản 28 Điều 1 Thông tư 16/2016/TT-BKHCN, sửa đổi bổ sung điểm 33.5 của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN như sau:
“33.5 Yêu cầu đối với bản mô tả kiểu dáng công nghiệp Người nộp đơn phải nộp 01 bản mô tả kiểu dáng công nghiệp, bao gồm các nội dung sau đây:
a) Tên kiểu dáng công nghiệp: là tên của chính sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp, được thể hiện một cách ngắn gọn bằng các từ ngữ thông dụng, không mang tính chất quảng cáo, không chứa ký hiệu, chú thích, chỉ dẫn thương mại;
b) Lĩnh vực sử dụng kiểu dáng công nghiệp: là lĩnh vực sử dụng cụ thể của sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp, trong đó nêu rõ mục đích sử dụng, công dụng, chức năng của sản phẩm đó;
c) Kiểu dáng công nghiệp tương tự gần nhất: nêu rõ có hay không có kiểu dáng công nghiệp tương tự, nếu có thì chỉ ra kiểu dáng công nghiệp ít khác biệt nhất với kiểu dáng công nghiệp của cùng loại sản phẩm nêu trong đơn, đã được biết đến một cách rộng rãi trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên (nếu đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên), trong đó phải chỉ ra nguồn thông tin bộc lộ công khai kiểu dáng công nghiệp tương tự gần nhất đó;
d) Liệt kê ảnh chụp hoặc bản vẽ: liệt kê lần lượt các ảnh chụp, bản vẽ phối cảnh (ba chiều), hình chiếu, mặt cắt… của kiểu dáng công nghiệp, phù hợp với số thứ tự được ghi của ảnh chụp, bản vẽ;
đ) Phần mô tả kiểu dáng công nghiệp phải đáp ứng các quy định tại khoản 2 Điều 103 của Luật Sở hữu trí tuệ, và cần được mô tả chi tiết như sau:
(i) Bộc lộ hoàn toàn bản chất của kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ, trong đó nêu đầy đủ các đặc điểm tạo dáng thể hiện bản chất của kiểu dáng công nghiệp, đồng thời chỉ ra các đặc điểm tạo dáng mới, khác biệt so với kiểu dáng công nghiệp tương tự gần nhất nêu tại điểm 33.5.c trên đây, phù hợp với các đặc điểm tạo dáng được thể hiện trong bộ ảnh chụp, bản vẽ;
(ii) Các đặc điểm tạo dáng của kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ được trình bày lần lượt theo thứ tự: các đặc điểm hình khối, đường nét, tương quan giữa các đặc điểm hình khối và/hoặc đường nét, các đặc điểm màu sắc (nếu có);
(iii) Đối với sản phẩm có các trạng thái sử dụng khác nhau (ví dụ sản phẩm có nắp hoặc có thể gập lại được…) thì mô tả kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm ở các trạng thái khác nhau; (iv) Nếu kiểu dáng công nghiệp gồm nhiều phương án thì phải nêu phương án cơ bản và đánh số lần lượt các phương án biến thể khác, trong đó chỉ rõ các đặc điểm tạo dáng khác biệt của từng phương án biến thể so với phương án cơ bản;
(v) Nếu kiểu dáng công nghiệp là kiểu dáng của bộ sản phẩm thì mô tả kiểu dáng của từng sản phẩm trong bộ đó.
e) Phạm vi bảo hộ kiểu dáng công nghiệp (hoặc “yêu cầu bảo hộ”): phải liệt kê đầy đủ các đặc điểm tạo dáng cần và đủ để xác định bản chất kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ và phạm vi quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp, được thể hiện trên ảnh chụp, bản vẽ nêu trong đơn, bao gồm các đặc điểm tạo dáng mới, khác biệt so với kiểu dáng công nghiệp tương tự đã biết.”.
Trên đây là thông tin về hồ sơ, thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp.
Mọi vấn đề cụ thể, Quý khách hàng có thể liên hệ:
DỊCH VỤ LUẬT SƯ SỞ HỮU TRÍ TUỆ TẠI CÔNG TY LUẬT TNHH VÕ & CỘNG SỰ
Số điện thoại Luật sư tư vấn: 0909865891 – 0901476391;
Hoặc gửi yêu cầu qua địa chỉ email: hello@voconsultants.vn
Địa chỉ văn phòng làm việc: Tầng 8, Tòa nhà Callary, số 123 Lý Chính Thắng, phường Võ Thị Sáu, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.
Trân trọng./.